Huy động sức mạnh từ chuyên gia Việt kiều

TPHCM đang tiến hành nhiều giải pháp để thu hút trí thức Việt kiều về nước đóng góp vào sự phát triển của TP. Đây là việc nên làm, nhưng những hoạt động hiện nay chủ yếu xoay quanh việc tạo điều kiện cho giáo sư Việt kiều tham gia xây dựng và đào tạo nhân lực (giảng dạy), nhưng lại không chú trọng đến việc gắn liền với nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ mới ở Việt Nam. 
Kiều bào góp ý kiến với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Kiều bào góp ý kiến với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chuyển giao công nghệ hiện nay chủ yếu tập trung hợp tác với các nước có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Vì vậy, những công nghệ này chưa chắc đã là công nghệ mới nhất và hiện đại nhất của thế giới trong thời điểm chuyển giao và có rất nhiều yếu tố trong việc quyết định công nghệ dựa trên cơ sở vốn đầu tư chứ không phải tiềm năng khoa học kỹ thuật của công nghệ đó.
Quan trọng hơn nữa, trong quá trình này, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam dựa vào sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài và việc đào tạo cũng như hợp tác với cán bộ khoa học kỹ thuật ở Việt Nam chưa có hoặc chưa là một phần thiết yếu.
Chính vì vậy, Việt Nam sẽ không làm chủ được công nghệ và bị phụ thuộc vào công nghệ cũng như chuyên viên của nước ngoài trong thời gian dài; đồng thời, chuyển giao công nghệ không đi liền với đào tạo tiềm năng ở Việt Nam để phát huy và tiếp tục phát triển công nghệ đó cho phù hợp với Việt Nam. 
Cần xem xét và phát triển tốt hơn cách thức chuyển giao công nghệ hiện tại, đồng thời mở rộng đầu tư vào chuyển giao công nghệ với sự tham gia trực tiếp của những giáo sư Việt kiều đã và đang phát triển công nghệ mới ở nước ngoài.
Việc thu hút chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài để đào tạo và làm công trình khoa học ở Việt Nam không phải chỉ để đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở Việt Nam với đầu ra là những bài báo nghiên cứu trên các tạp chí, mà còn phải gắn liền với chuyển giao (và phát triển) công nghệ mới cho phù hợp với môi trường Việt Nam.
Cụ thể hơn, TP nên thu hút giáo sư Việt kiều tham gia xây dựng, đào tạo nhân lực, đồng thời làm chuyên viên trong việc chuyển giao, phát triển công nghệ ở Việt Nam. 
Đề tài nghiên cứu phải gắn liền với phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề cấp bách mà TP quan tâm với đầu ra là công nghệ mới có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới cho vấn đề mà TP quan tâm (ví dụ như giải quyết tắc nghẽn giao thông); đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và nghiên cứu sinh (hoặc chuyên viên Việt Nam) với khả năng để tiếp tục kế thừa, phát triển công nghệ và ứng dụng lâu dài trong môi trường Việt Nam và lấn sân thế giới.
Việc áp dụng công nghệ là rất quan trọng vì sẽ thể hiện bước nhảy thực sự trong sự hòa nhập và phát triển khoa học kỹ thuật ở Việt Nam, khi nước ta bắt đầu có thể xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. 

Tin cùng chuyên mục