Khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất” cho người dân bị lũ

Ngày 23-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với một số bộ, ngành và địa phương về hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở đất.
Khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất” cho người dân bị lũ

Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 49 người chết, 14 người mất tích, 21 người bị thương, ước tính thiệt hại khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Hiện có 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm. Hơn 42.100 hộ dân có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất cần di dời để bảo đảm an toàn. Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị hỗ trợ lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao tại một số địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát để tránh tình trạng người dân lấy tiền hỗ trợ sửa chữa, xây lại nhà để mua xe máy. Một số ý kiến kiến nghị cần sớm lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất chi tiết hơn để người dân biết chỗ nào có thể an cư được, bởi đã có một số trường hợp, người dân phải di dời nhiều lần vì nơi mới định cư cũng không an toàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước mắt cần tập trung lo cho 5.592 hộ hiện không có nhà ở hoặc đang ở trong nhà tạm, khắc phục nhanh tình trạng “màn trời chiếu đất”, giải quyết theo hướng bố trí ở xen ghép vào các khu dân cư. Cùng với việc lo về nhà ở, cần lo cho người dân sống bằng cách nào, đất sản xuất ra sao và lo cả việc người dân đi lại bằng cách nào, con em họ học hành, chữa bệnh ở đâu. “Việc này giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Phải làm gấp, làm ngay, làm chính xác và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, Thủ tướng nêu rõ.

Về mức hỗ trợ, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT đề xuất mức phù hợp giữa hỗ trợ nhà ở và hạ tầng, trên tinh thần công bằng, minh bạch, sớm trình Thủ tướng quyết định. Khẩn trương trình Thủ tướng dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, có phân kỳ đầu tư. Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các địa phương lập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất. Các bộ đề xuất các nguồn lực để có Quỹ phòng chống thiên tai quốc gia.

Tin cùng chuyên mục