Khe Sanh và những thương hiệu toàn cầu

Phố núi vào hội
Khe Sanh và những thương hiệu toàn cầu

Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh - Quảng Trị (9-7-1968 – 9-7-2013)

Chiến thắng Khe Sanh - Quảng Trị năm 1968 gây chấn động địa cầu như một Điện Biên Phủ thứ hai bởi có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử chiến tranh cách mạng. Bom mìn sau chiến tranh ẩn dưới lòng đất khô cằn chờ phát nổ, cộng với khí hậu khắc nghiệt là những gì mà mọi người hay nói tới mỗi khi nhắc tới Khe Sanh. Thế nhưng, sau 45 năm, những con người sống nơi “mảnh đất chết” ấy đã và đang tạo nên nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu.

Du khách quốc tế tham quan sân bay Tà Cơn với chứng tích máy bay Mỹ còn lại.

Du khách quốc tế tham quan sân bay Tà Cơn với chứng tích máy bay Mỹ còn lại.

Phố núi vào hội

Đi giữa Khe Sanh những ngày này cảm giác như cả phố núi đang vào hội! Cổng ngõ tinh tươm, hoa trồng tràn ra vỉa hè. Quốc lộ 9 qua trung tâm thị trấn này như một hoa viên. Một cuộc hội hè lớn nhất ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sau 45 năm, kể từ ngày Khe Sanh giải phóng.

Năm 1968, Mỹ - ngụy đổ quân xuống Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lập thành “cái chốt cứng” vĩ tuyến 17, khống chế đường 9 qua Lào, chặt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Mỹ huy động hàng vạn tấn bom đạn và cả chất hóa học đốt trụi hàng ngàn hécta rừng Trường Sơn, hơn 2.000 người Vân Kiều, Pa Cô chết thảm… Tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Johnson lắp sa bàn theo dõi chiến sự hàng giờ ở Khe Sanh. Nhưng chiến dịch Khe Sanh năm ấy, quân dân ta anh dũng kiên cường làm nên một Điện Biên Phủ thứ hai trong lịch sử chiến tranh cách mạng.

Ngày 9-7-1968, Khe Sanh và cả một vùng rộng lớn nơi biên giới Việt - Lào được giải phóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James R. Schlesinger chua chát nhận xét: “Tuy chúng ta đã ném cả danh dự nước Mỹ ra để giữ Khe Sanh và buộc hội đồng tham mưu trưởng liên quân cam kết bằng máu, nhưng cuối cùng cũng phải rút chạy”.

Sau bao thăng trầm dâu bể, ít ai có thể ngờ rằng địa danh Khe Sanh từng là nỗi khiếp đảm, “địa ngục trần gian” đối với lính Mỹ nay đã thay bằng một màu xanh mới tràn trề nhựa sống. Toàn huyện có trên 5.000ha cà phê, 1.000ha cao su và trên 4.500ha sắn. Những người Pa Cô, Vân Kiều mang họ Bác Hồ ở đây vẫn nhớ lại nỗi đau chiến tranh nhưng không phải để ngậm ngùi mà là để yêu hơn cuộc sống hòa bình.

Mang trên mình không ít vết thương chiến tranh trở về, ông Võ Hằng, một cựu chiến binh ở Khe Sanh vẫn tỉ mẩn khai hoang từng thửa đất mỗi ngày, một phần làm giàu cho gia đình, một phần xóa đi vết tích đạn bom hằn sâu trên mảnh đất quê hương. Ông tâm sự, có lẽ đắng cay mới ngọt lành nên sự đổi thay trên chiến trường xưa thật kỳ diệu, nhất là cuộc tăng tốc, bứt phá ngoạn mục trong vòng 10 năm trở lại đây.

Con đường 9 - “Con đường chết” hay Khe Sanh “Khe tử” mà kẻ thù khiếp sợ gọi tên thời ấy, giờ trở thành một con đường xuyên Á với trọng trách mới: Hành lang kinh tế Đông Tây, nối thông từ bờ biển Đông vượt Trường Sơn, qua sông Mê Kông đến tận bờ Ấn Độ Dương, kết nối ý chí, nghị lực và tình cảm của nhân dân 6 quốc gia trong tiểu vùng Mê Kông để cùng nhân lên sức mạnh, tạo sự phát triển cho khu vực và mỗi nước. Những chiến địa ác liệt năm xưa như Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây giờ là những địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đổi thay 45 năm qua ở Khe Sanh dễ nhận thấy trên những căn nhà cao tầng, những quả đồi mênh mông cà phê, những phố chợ sầm uất... Nhưng có một đổi thay khác, âm thầm, bền bỉ mà đầy kiêu hãnh, đó là những người dân Vân Kiều, Pa Cô bước ra từ đêm dài tăm tối, nay đã là những bác sĩ, kỹ sư... đang ra sức chung tay xây dựng bản làng ấm no hạnh phúc. Ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phấn khởi: Giờ đây, cà phê Khe Sanh có tên trong bản đồ cà phê nổi tiếng thế giới, tinh bột sắn Sê Pôn, hồ tiêu Khe Sanh... đã xuất khẩu ra nhiều châu lục.

Cùng với đó, bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc anh em trên dãy Trường Sơn được đầu tư nhằm bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã vĩnh viễn rời xa một số hủ tục, duy trì và phát triển rất nhiều mỹ tục; hệ thống trường học, cơ sở y tế cùng một đội ngũ trí thức “cắm bản” hùng hậu làm chuyển biến nhận thức, hành động của đồng bào. Sự quan tâm đầu tư xây dựng ở các bản làng, những nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình văn hóa mang phong cách “bản địa” là nỗ lực trong công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn.

Níu chân du khách

Tại Khe Sanh - Hướng Hóa, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc rìu, bôn đá là công cụ lao động của người tiền sử. Nơi đây được giới nghiên cứu lịch sử văn hóa đánh giá có chiều dày lịch sử sớm nhất Quảng Trị. Đặc trưng phân biệt giữa Hướng Hóa với các huyện, thị khác trong tỉnh là con người và đặc trưng văn hóa. Đồng bào người Pa Cô, Vân Kiều - chủ nhân vùng đất này vẫn bảo lưu những nét đẹp văn hóa cộng đồng và phong tục, tập quán độc đáo hòa lẫn với hồn thiêng sông núi tạo nên một Hướng Hóa vô cùng đặc biệt. Những lễ hội đâm trâu, tục mừng mùa lúa mới, độc đáo hơn là tục đi sim của người Pa Cô, Vân Kiều mà hiếm địa phương nào có được. Kết hợp nét đẹp văn hóa riêng đó là những nhạc cụ cồng chiêng, vũ điệu trong các lễ hội làm đắm say lòng người.

Đến Hướng Hóa, du khách không khỏi ngạc nhiên bởi những ngôi nhà sàn sống qua nhiều thế hệ định cư lâu đời ở khắp mọi nơi trên địa bàn và cuộc sống hòa thuận đồng bào các dân tộc. Với nền văn hóa độc đáo miền sơn cước, Hướng Hóa là nơi đồng bào Pa Cô, Vân Kiều và Kinh sinh sống hòa thuận, cùng nhau phấn đấu bảo tồn, xây dựng, phát huy tạo nên một bản sắc văn hóa đậm đà chất riêng. Hệ thống di tích chiến tranh trên mảnh đất này là một di sản vĩ đại, có giá trị lớn về nhiều mặt.

Cùng với đó, Hướng Hóa còn đang sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh có vẻ đẹp đặc trưng vùng miền, có thể mở hướng phát triển du lịch sinh thái như: Thác Ồ Ồ, động Voi Mẹp, động Brai Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, đồi thông Khe Sanh… 

Những ngày tháng 7 này, lượng khách nước ngoài tham quan di tích sân bay Tà Cơn đông hơn. Họ là những cựu binh Mỹ hay những du khách đến từ các nước Anh, Úc… tham quan để biết và hiểu thêm về cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Việt Nam. Cách bố trí, phục dựng di tích ở sân bay Tà Cơn còn khiêm tốn, nhưng phần nào cũng giúp du khách hình dung về một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được quân đội Mỹ và lính chế độ cũ coi là một vị trí “cứng”, cơ động nhất hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.

Toàn sân bay giống như một lòng chảo với bốn bề núi non vốn là những điểm đặt hệ thống hỏa lực lý tưởng, lại cách con đường 9 huyết mạch chưa đầy 3km. Thế nhưng, với sức mạnh tiến công của quân giải phóng, Tà Cơn trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân, buộc quân đội quốc gia mạnh nhất thế giới phải mở đường máu rút khỏi Khe Sanh.

Kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Khe Sanh (9-7-1968 – 9-7-2013), huyện Hướng Hóa khởi công xây dựng Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều - Pa Cô. Công trình có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 40%, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa 40%, còn lại là vốn đối ứng địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Tạo điều kiện phát hiện, thống kê, sưu tầm và gìn giữ các giá trị văn hóa của 2 dân tộc Pa Cô và Vân Kiều cho mai sau.

Đồng thời, đây sẽ là không gian sinh hoạt văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội của đồng bào, cũng là nơi tuyên truyền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đến với đồng bào, là điểm dừng chân tham quan của khách du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hướng Hóa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị. 100% xã, thị trấn trên địa bàn bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ. Đội trưởng Đội rà phá bom mìn Quảng Trị Nguyễn Văn Cường cho biết, trong năm 2014, chúng tôi sẽ mở rộng thêm một tổ ở Hướng Hóa. Gần 10 năm có mặt tại huyện Hướng Hóa, Cây hòa bình Việt Nam là tổ chức trực tiếp hỗ trợ Đội rà phá bom mìn lưu động tỉnh Quảng Trị hoạt động, đã góp phần tích cực vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Qua đó, trả lại hàng ngàn hécta đất sạch cho nhân dân yên tâm sản xuất.

VĂN THẮNG - BÍCH LIÊN

Tin cùng chuyên mục