Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Những ước mơ đẹp

Trong cộng đồng người khiếm thị Việt Nam, cái tên Thu Loan rất gần gũi. Cô gái sinh năm 1998 này thường xuyên có mặt tại các sự kiện truyền cảm hứng với vai trò diễn giả. Mới đây, Thu Loan tham dự Hội nghị Thanh niên khiếm thị khu vực Đông Nam Á 2023 và chia sẻ câu chuyện của bản thân cùng bè bạn quốc tế. Thu Loan cũng là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật được tôn vinh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2022 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

K5b.jpg
Thu Loan trong buổi ra mắt sách Giấc mơ nơi thiên đường

Sinh ra ở xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), Thu Loan mắc chứng Glôcôm (bệnh lý gây tổn hại thần kinh thị giác) bẩm sinh. Khi 11 tuổi, trong lúc lên sân thượng để rút quần áo vào một ngày mưa, Thu Loan không nhìn rõ nên vướng vào một đầu dây phơi bằng thép ngang tầm mắt. Dây thép đâm thủng nhãn cầu con mắt mà Loan còn nhìn được, từ đó em không nhìn thấy ánh sáng nữa. Song, với ước mơ trở thành bác sĩ, cô giáo và mãnh liệt nhất là họa sĩ, nghị lực đi tìm nguồn sáng chưa bao giờ dừng lại trong Loan. “Em rất thích màu sắc nên ước mơ trở thành họa sĩ. Em thích bàn tay được tô vẽ nên thế giới, nhưng sau biến cố, em biết ước mơ đó không thể thành hiện thực”, Loan tâm sự.

Cô Vũ Thị Hương - mẹ Loan, chia sẻ: “Từ bé, Loan trải qua hơn chục lần chữa mắt. Giây phút khó khăn nhất chính là lúc mở băng mắt không biết con có thể nhìn được mức độ nào. Hy vọng từng giây phút nhưng rồi lại thất vọng”. Con đường đi học của Loan cũng đầy rẫy những chông gai. Khi học xong mẫu giáo, bố mẹ xin cho Loan vào trường tiểu học ở xã, nhưng bị từ chối. Loan cảm thấy rất buồn nhưng cũng không hiểu lý do tại sao không được đến trường.

Thương con, ngoài mua đầy đủ sách giáo khoa lớp 1, bộ chữ, bố mẹ tìm mọi cách để xin cho Loan được đến trường nhưng ngồi bàn cuối. Loan thường bị bạn bè trêu ghẹo. Để phù hợp việc học hơn, bố mẹ tiếp tục xin cho Loan được đi học tại Tỉnh hội Người mù Hà Tây. “Khi cháu học xong chương trình ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, gia đình nộp hồ sơ vào mấy trường cấp 3, nhưng đều không được nhận. Hai mẹ con tới Trường THPT Yên Hòa thì cháu được nhận vào học”, cô Hương cho biết.

Không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô, Thu Loan miệt mài học tập và giành được nhiều thành tích đáng khích lệ như: hai lần đoạt giải nhất Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU dành cho trẻ khiếm thị; hai lần đoạt giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” trong những năm học cấp THPT. Năm 2015, Thu Loan vinh dự đạt danh hiệu Học sinh tiêu biểu Thủ đô; năm 2019 giành học bổng toàn phần của Đại học Quốc tế RMIT tại Việt Nam ngành Truyền thông chuyên nghiệp.

Truyền cảm hứng qua những trang sách

Ngay từ bé, Thu Loan đã rất yêu thích sách. Tuy nhiên, thay vì được cầm, được đọc những cuốn sách in giấy thì Loan lại… nghe sách ghi âm! Gần như ngày nào Loan cũng nghe sách, ngoại trừ những ngày quá bận bịu việc học. Thể loại sách Loan yêu thích là tản văn, sách truyền cảm hứng. Theo Loan, 3 cuốn sách hay nhất em đã đọc là Tuổi 20 tôi đã sống như những đóa hoa, Phụ nữ hiểu biết sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn và Bí mật của may mắn. Song, Loan bảo nếu một ngày lạc đến một hoang đảo, hành lý mang theo là những cuốn sách do em viết ra, đó là những “đứa con tinh thần” luôn nhắc nhở Loan về ước mơ, gia đình, tình yêu của mình.

Trong cuốn sách đầu tay Giấc mơ nơi thiên đường (NXB Hội Nhà văn phát hành năm 2019), Loan viết: “Mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tôi kết riêng cho mình hạt nắng lung linh. Mỗi ngày trôi qua tôi góp nhặt những hạt nắng đó để kết thành một mặt trời ấm áp để rồi hôm nay tôi nhận ra hạnh phúc tồn tại nơi những trái tim chân thành”. Còn cuốn sách Sáng hơn ánh mặt trời (NXB Văn học phát hành năm 2021) đánh dấu sự trưởng thành, cảm thấy bản thân có giá trị trong cuộc sống của cô gái khiếm thị đầy nghị lực. Thu Loan còn dự kiến ra mắt cuốn sách thứ ba mang tên Bay lên từ đôi cánh gãy.

Ngoài viết sách, Thu Loan còn sáng lập Câu lạc bộ Step - Hành động vì người khiếm thị năm 2020 để tham gia giúp đỡ người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, truyền cảm hứng ước mơ, vượt nghịch cảnh đến những người cùng cảnh ngộ, làm gia sư cho các em nhỏ khuyết tật. Đến nay, Câu lạc bộ Step đã chuyển đổi hơn 30 đầu sách sang định dạng tiếp cận cho người khiếm thị, tổ chức các khóa học kỹ năng mềm, tiếng Anh…; kêu gọi xã hội giúp đỡ người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn với số tiền ước tính hàng trăm triệu đồng. Hiện Thu Loan cũng đang làm Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam, cộng tác viên chương trình Cùng bạn đọc sách. Loan đã kết nối chương trình với các bạn ở Câu lạc bộ Step để phần nào hỗ trợ khó khăn tài chính, tìm việc làm thêm cho các bạn khiếm thị.

Tin cùng chuyên mục