Nhà vô địch muay thế giới Nguyễn Trần Duy Nhất: Cháy bỏng khát vọng nâng tầm võ thuật Việt Nam

Thành công của võ sĩ không dễ dàng có được, đó là sự khổ luyện đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu sau ánh hào quang võ đài. Đối với nhà vô địch muay thế giới Nguyễn Trần Duy Nhất, những trở ngại và thử thách như thế đã trở thành động lực, tiếp sức anh trên hành trình đưa hình ảnh võ thuật Việt Nam vươn ra thế giới.

Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất luyện tập hàng ngày. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất luyện tập hàng ngày. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vinh quang nghề võ

Nhắc đến làng võ Việt Nam, võ sĩ muay Nguyễn Trần Duy Nhất là cái tên được nhiều người nhắc đến khi thành công nâng tầm hình ảnh võ sĩ nước nhà vươn xa tại các đấu trường thế giới. Duy Nhất ghi dấu ấn bằng nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà, đặc biệt là thành tích kỷ lục - 10 lần vô địch thế giới, 5 huy chương vàng châu Á, 1 huy chương vàng SEA Games...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật, tuổi thơ của Duy Nhất gắn liền với “lò” võ của gia đình, với tiếng “hư... ha” hô vang của các võ sinh tập luyện. Đó còn là hình ảnh cậu bé ngồi trước chiếc tivi nhìn thấy các anh chị võ sĩ khoác áo của đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu ở SEA Games, rồi lại nuôi dưỡng ước mơ một lần được như vậy.

Truyền thống võ học gia đình là nơi khơi nguồn đam mê, còn bộ môn muay Thái chính là “đường băng” để ước mơ có thể cất cánh bay xa trong sự nghiệp võ sĩ mà Duy Nhất đã chọn. Muay Thái là môn võ xuất hiện nhiều ở cấp khu vực cũng như thế giới, mà với Duy Nhất thì còn gì tuyệt vời hơn khi được khoác lên mình màu cờ sắc áo để thi đấu và đem lại vinh quang cho Tổ quốc.

“Còn nhớ tại giải vô địch thế giới vào năm 2011 tại Thái Lan, chẳng ai biết đến và đánh giá cao võ sĩ đến từ Việt Nam. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là “phải thắng” để quốc kỳ Việt Nam tung bay trên bục vinh quang, quốc ca Việt Nam vang lên ở đấu trường quốc tế. Và tôi đã làm được, giành chiến thắng chung cuộc sau 7 đêm liên tiếp thi đấu trên võ đài”, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất kể.

Đam mê của chàng võ sĩ sinh năm 1989 là được bước lên võ đài, thể hiện hết khả năng, cho dù thắng hay thua. Nhưng để có mặt trong trận đấu khoảng 9 phút thì việc luyện tập kéo dài hàng năm trời, mỗi ngày đều đặn. Quá trình tập luyện được xem là khắc nghiệt khi võ sĩ phải làm quen với việc ép cân hay đôn cân để phù hợp với giải đấu, chưa kể chấn thương ở môn đối kháng có thể xảy đến bất cứ khi nào. Đối với Duy Nhất, đó còn là sự nghiêm khắc với bản thân, đặt mình vào guồng quay tập luyện tự giác.

Gần 8 năm qua, nam võ sĩ đã phải quen với việc tập luyện mà không có huấn luyện viên. Niềm vui mỗi ngày của Duy Nhất hiện tại là lên sân tập cùng các võ sĩ trẻ, tìm cơ hội cho bản thân ở những giải đấu chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên, mục tiêu lớn vẫn là đưa danh tiếng võ sĩ Việt Nam ra thế giới chưa bao giờ dừng lại. Dù chia tay với các đấu trường thể thao thành tích cao, nhưng cái duyên với võ đài của Duy Nhất vẫn chưa dừng lại. Anh lựa chọn cho mình một môi trường đầy thử thách khắc nghiệt nhưng cũng lắm tính hấp dẫn mà ít võ sĩ Việt Nam dám lựa chọn, đó là các giải đấu chuyên nghiệp - nơi cần sự kinh nghiệm lên tiếng.

Duy Nhất chia sẻ: “Sau gần 15 năm cống hiến cho quốc gia, tôi nhận thấy bản thân không còn đủ sức trẻ để phù hợp với đấu trường thành tích cao. Nhưng bù lại những kinh nghiệm được tôi luyện qua nhiều năm sẽ thích hợp với các sàn đấu chuyên nghiệp, mang đến những trải nghiệm mạnh mẽ hơn. Và tôi mong những điều này sẽ truyền cảm hứng cho các võ sĩ trẻ. Dù ở độ tuổi nào, chỉ cần có đam mê thì chúng ta vẫn có thể tập luyện và thi đấu”.

Gieo mầm “hạt giống” võ thuật

Tưởng chừng người võ sĩ sẽ khô khan, đầy gai góc như trên võ đài, ấy vậy mà Nguyễn Trần Duy Nhất cũng là người mang trái tim đa sầu đa cảm, luôn sẻ chia cùng hoàn cảnh khó khăn. Nhiều lúc thấy các em nhỏ bán vé số hay đánh giày cứ lấp ló trước phòng tập, anh lại trò chuyện cũng như tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với muay Thái, khơi gợi niềm đam mê võ thuật. Hay đó là các tuyển thủ trẻ có đam mê với bộ môn nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn, ở các tỉnh thành khác nhau mà không thể theo đuổi. Duy Nhất chấp nhận dạy hoàn toàn miễn phí đến việc tặng găng tay, đồng phục tập luyện cho những ai có đam mê, tấm lòng nhân hậu cứ cho đi mà không cần nhận lại. “Biết đâu trong tương lai sẽ có một võ sĩ tài năng làm rạng danh quốc gia bắt nguồn từ đây. Tôi muốn làm điều đó, khơi gợi niềm đam mê và có thể định hướng con đường thể thao sau này cho các em, có thể sử dụng môn võ để nuôi sống chính bản thân và phục vụ cho quốc gia”, Duy Nhất thẳng thắn nói.

Ở tuổi 35, nhà vô địch muay thế giới đã có sự nghiệp khá ổn định cùng với vô số danh hiệu lớn nhỏ. Tầm ảnh hưởng của Nguyễn Trần Duy Nhất với võ thuật Việt Nam không chỉ dừng lại ở khía cạnh một võ sĩ đơn thuần, mà anh đã trở thành nguồn cảm hứng để nhiều võ sĩ trẻ noi theo. Tâm sự cởi mở, câu chuyện được Duy Nhất nhắc tới nhiều là về lớp võ sĩ kế thừa.

Câu lạc bộ No.1 Muay Club của Nguyễn Trần Duy Nhất được phát triển tại TPHCM luôn thu hút đông đúc võ sinh đến tập luyện và đã đào tạo hàng trăm võ sĩ cho các giải đấu trong và ngoài nước, cũng như cung cấp nguồn tuyển thủ cho đội tuyển muay TPHCM, đội tuyển quốc gia. Tại đây, anh không chỉ rèn võ sĩ thi đấu, mà khi tới tuổi phải rời võ đài họ vẫn có thể kiếm sống và giữ lửa đam mê như mở phòng tập, làm huấn luyện viên cho những ai yêu thích võ thuật.

Người võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất vẫn luôn trăn trở: “Bên cạnh việc cống hiến cho thể thao nước nhà, võ sĩ cũng cần ổn định cuộc sống để có thể tiếp tục tập luyện và giữ lửa nghề. Cuộc chiến của võ sĩ không chỉ trên sàn đấu. Khi thượng đài, họ thể hiện niềm đam mê cháy bỏng và dũng cảm giao đấu. Về với cuộc đời lại là cuộc chiến mưu sinh không phải ai cũng được trải hoa hồng. Nhiều võ sĩ còn phải đi làm bán thời gian như bảo vệ, chạy Grab kiếm sống, lo cho gia đình”.

Tại Việt Nam, số lượng sự kiện thi đấu chuyên nghiệp của các môn võ không nhiều. Võ sĩ tham dự tại các sự kiện đó phần lớn là VĐV thể thao thành tích cao, nhận thi đấu để có thêm thu nhập. Từ những trăn trở đó, Duy Nhất ấp ủ ước mơ xây dựng một nhà thi đấu võ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam. Ở nơi đó, các võ sĩ thường xuyên có cơ hội tham gia các giải đấu, tạo ra nguồn thu nhập để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và tập trung hơn cho việc tập luyện. Đồng thời, võ sĩ Việt Nam sẽ được giao lưu cùng nhiều tuyển thủ quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn.

Tin cùng chuyên mục