Chuyện làm nông nghiệp thông minh của Hoàng

Nhiều năm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia tại Pháp, Malaysia đã giúp Đặng Dương Minh Hoàng (SN 1988) học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Hành trang đó anh mang trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước làm nông nghiệp thông minh (nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Chuyện làm nông nghiệp thông minh của Hoàng

Bỏ phố về rừng làm nông nghiệp

Hết sức tình cờ, cuộc hẹn của chúng tôi và Đặng Dương Minh Hoàng diễn ra ngay sau khi anh trở về từ chuyến đi Hà Nội nhận giải thưởng cao quý là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Trong cuộc trò chuyện, anh kể: “Cha mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn, nên từ nhỏ tôi đã gắn liền với ruộng vườn. Thấu hiểu cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên ước mơ thay đổi hoàn cảnh thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu trong học tập và công việc”.

Trước đây, gia đình Hoàng chủ yếu trồng cao su và hồ tiêu theo cách truyền thống nên nguồn thu bấp bênh. Sau khi cha anh đột ngột qua đời, anh quyết định dấn thân vào nghề nông. Với kinh nghiệm sau nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài, đặc biệt được tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh áp dụng khoa học công nghệ để đưa sản phẩm nông nghiệp của gia đình đạt hiệu quả cao hơn.

Trong khi nhiều nông dân vẫn nghĩ Internet vạn vật (IoT) là khái niệm xa vời và chỉ được áp dụng ở phương Tây, thì những năm qua, anh Hoàng đã đưa một số ứng dụng IoT, blockchain (chuỗi khối) vào nông trang của mình như thổi một làn gió mới vào ngành nông nghiệp. Hiện anh Hoàng đang quản lý 50ha vườn với ba loại cây trồng chủ lực: bơ, hồ tiêu, cao su. Riêng cây cao su đóng vai trò như một vùng đệm hữu cơ với lõi là cây bơ và hồ tiêu. Các loại cây trồng được áp dụng công nghệ hiện đại nhất trong quản lý, chăm sóc và thu hoạch, như: ứng dụng hệ thống tưới tự động; năng lượng mặt trời; camera giám sát; máy bay không người lái xịt thuốc phòng và trị bệnh cho cao su; giới thiệu sản phẩm/nhật ký số; thương mại điện tử…

Bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất, kinh doanh, sản phẩm bơ với thương hiệu Bơ Ông Hoàng đã được xuất khẩu đi các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia và xuất hiện trên kệ của các siêu thị lớn trong nước và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Anh chủ động đưa trái bơ lên sàn thương mại điện tử và tham gia số hóa sản phẩm, tự định giá được trái bơ mình làm ra với mức giá 50.000-60.000 đồng/kg tại chuỗi cửa hàng trái cây sạch ở TPHCM và bán trên các trang thương mại điện tử từ 80.000-90.000 đồng/kg. Với sản phẩm hồ tiêu thì được sản xuất theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice - một tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan.

Sau quá trình thử nghiệm, sự hỗ trợ của máy bay không người lái đã giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí đáng kể. Cùng một diện tích, thay vì trước đây phải sử dụng 6 lao động, tiền công 300.000 đồng/người/ngày, thời gian khoảng 2 ngày mới hoàn thành, thì nay sử dụng máy bay không người lái, vấn đề này chỉ giải quyết trong 1 giờ, chi phí và nhân công giảm một nửa, đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Với cách làm căn cơ, bài bản, khoa học, những năm qua Nông trại Thiên Nông của Hoàng đã thu về lợi nhuận lớn, trong đó năm 2023 lãi hơn 8 tỷ đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.

O5a.jpg
Anh Đặng Dương Minh Hoàng giới thiệu cách vận hành nông trại bằng điện thoại thông minh và sản phẩm bơ Mã Dưỡng đến khách tham quan

Mong góp sức chuyển đổi số nông nghiệp

Lao động tại Nông trại Thiên Nông chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng và Khmer. Hầu hết họ từng có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nay đã có thu nhập cao thông qua hình thức góp vốn trong chăn nuôi. Để tăng nguồn thu nhập cho 25 lao động làm việc thường xuyên ở nông trại, anh Hoàng đã tận dụng diện tích đất, đồng cỏ tự nhiên, lá cây keo từ nọc tiêu… để chăn nuôi bò, dê. Theo đó, mỗi lao động sau khi nhận bò sẽ tự tìm nguồn thức ăn trong nông trại cho bò ăn. Khi bò sinh sản ra 1 con, người lao động sẽ được hưởng 1/2 (nửa con bò con); khi bò sinh sản được 2 con, người lao động được hưởng 1 con bò con. Đối với dê cũng áp dụng tương tự.

Với mong muốn góp sức cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Bình Phước, HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước do Hoàng làm giám đốc đã kết nối những nông dân tiên tiến trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Bến Tre. Hiện HTX là đại diện triển khai nền tảng số AutoAgri trong quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong nông nghiệp. HTX đã số hóa cho tất cả thành viên, đồng thời thí điểm số hóa hơn 1.400 cơ sở gia công chế biến sản phẩm điều của Bình Phước. Hiện HTX đã được cấp mã vùng trồng, xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc; các sản phẩm của HTX như: bơ, sầu riêng, hạt điều đều đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Không những là một trong những nông trại tiên phong, truyền cảm hứng về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại địa phương, Nông trại Thiên Nông đã cử người trình bày một số chuyên đề về chuyển đổi số trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quảng bá thành quả, sản phẩm của nông trại.

Với những thành tích đã đạt được, Đặng Dương Minh Hoàng đã được Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể Trung ương, địa phương vinh danh, trao rất nhiều giải thưởng danh giá. Trong đó, có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; giải thưởng 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023; giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021; giải thưởng “Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực” cho các nước tiểu vùng sông Mekong do Ngân hàng Phát triển Châu Á trao tặng, và là 1 trong 20 đại biểu trẻ được Quốc hội mời tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9…

Tin cùng chuyên mục