NSƯT Lô Thị Ngọc Thúy: Bền bỉ với nghệ thuật xiếc

Tôi gặp Lô Thị Ngọc Thúy khi cô và đồng nghiệp vừa trở về từ chuyến lưu diễn phục vụ đồng bào tại Đakrông, huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Thúy hào hứng kể, bà con đến từ sớm ngồi gần sân khấu, vỗ tay reo vui khiến nghệ sĩ say sưa diễn dưới trời khuya sương rơi nặng hạt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Nhọc nhằn sau ánh hào quang

Sinh năm 1993, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, cô gái dân tộc Nùng đã có 20 năm “bén duyên” với xiếc. Với cô bé học sinh tiểu học ở vùng quê nghèo Lạng Sơn, xiếc là thứ gì đó khá mơ hồ nhưng cũng không hiểu vì lẽ gì Thúy lại tham gia vào buổi tuyển sinh của trường xiếc.

Đến khi được thông báo là đã trúng tuyển, Thúy cũng chỉ mới biết về xiếc qua lời giới thiệu của các thầy cô chứ chưa từng xem một buổi biểu diễn xiếc thực thụ nào. Ban đầu là tò mò, rồi dần dần đam mê sân khấu tròn như đã thấm vào huyết mạch của cô. Trông dáng người bé xíu vậy mà Thúy nhanh thoăn thoắt, vừa mới đu dây lả lướt thoáng đã thấy nằm rạp trên lưng ngựa như tay đua thực thụ.

Theo NSƯT Đỗ Hùng, Trưởng đoàn xiếc Đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người thầy và cũng là người quản lý trực tiếp của Lô Thị Ngọc Thúy thì, cô nghệ sĩ nhỏ bé này không chỉ có tài năng thiên bẩm, sự nghiêm túc trong công việc mà còn sở hữu nguồn năng lượng tích cực hiếm người có được. Đặc thù của xiếc là người nghệ sĩ luôn phải tập luyện với cường độ cao, rủi ro cực lớn, tai nạn có thể rình rập bất cứ lúc nào, chỉ một chút sao nhãng cũng có thể phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí sinh mạng của mình và đồng nghiệp. Để theo nghề, các diễn viên nữ chỉ tài năng thôi chưa đủ mà còn cần sự đam mê, cống hiến… và biết hy sinh. Ngọc Thúy là một trong số đó.

V6a.jpg
Những tiết mục biểu diễn của Lô Thị Ngọc Thúy được nhận định là kỹ thuật khó, có sự sáng tạo cao. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngoài “bài tủ” là tiết mục nhào lộn trên sào đã đem đến cho Ngọc Thúy nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, thì hiện tại cô cũng có thể tham gia biểu diễn nhiều tiết mục khác như dây lụa đôi, phi ngựa, nhào lộn trên cầu bật... Các tiết mục của Thúy không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn tạo dấu ấn tốt với khán giả và đồng nghiệp quốc tế. Thúy nhiều lần được các đoàn nước ngoài mời ký hợp đồng biểu diễn kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Cô là một trong những “bông hoa sáng giá” của sân khấu tròn. Bạn bè, đồng nghiệp ví cô là tấm gương truyền cảm hứng, động lực cho những người xung quanh, giúp đỡ họ cùng vươn lên thành công.

Sống và làm việc bằng tình nghệ sĩ

20 năm trước, Ngọc Thúy rời nhà về Hà Nội học Trường Xiếc Việt Nam. Dù bạn bè xung quanh nhiều người không chịu được vất vả do luyện tập hà khắc đã phải bỏ ngang, nhưng Thúy không cho phép mình bỏ cuộc, càng tập cô càng thích và quyết tâm theo nghề. Không phải là cô không từng nghĩ tới việc dừng lại nhất là sau một tai nạn nhỏ rơi từ độ cao 2m, khiến cô bị xẹp đốt sống lưng, rồi bao nỗi lo cơm áo của một người mẹ, người vợ… nhưng rồi cái tình với sân khấu và hơn hết là cái tình của những người nghệ sĩ cùng trên sân khấu đã giúp cô vững vàng.

Trưởng đoàn xiếc Đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam kể, Ngọc Thúy không chỉ có tài mà còn là một tấm gương nỗ lực vượt khó. Gia cảnh của Thúy rất khó khăn, nên phần thu nhập vốn đã rất ít từ việc đi diễn vẫn được cô dành dụm gửi về giúp bố mẹ dựng lại căn nhà ở quê. Có lẽ cũng chính xuất phát điểm rất khó khăn nên theo lịch của liên đoàn xiếc, mỗi năm sẽ có 20-30 buổi diễn phục vụ miễn phí bà con tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… nơi mà điều kiện hưởng thụ văn hóa còn khó khăn, Ngọc Thúy luôn tích cực tham gia.

Những buổi diễn lưu động như vậy thường dựng sân khấu ở những bãi đất trống ngoài trời; có những điểm xa đến mức, để có thể đến được chỗ diễn phải vượt vài kilômét đường đất, lúc đi bộ, lúc đi xe kéo của đồng bào dân tộc thiểu số, song Thúy và các đồng nghiệp không hề nề hà, bởi họ coi đó là sứ mệnh sẻ chia với cộng đồng của người trẻ, của người làm nghệ thuật.

Lo lắng tuổi tác sẽ ảnh hưởng đến tuổi nghề, ngoài việc luyện tập nhiều hơn, Thúy cũng tích cực tham gia dìu dắt các bạn trẻ vào nghề. Cô chia sẻ, việc chinh phục giới hạn của bản thân lúc này không còn là động lực duy nhất để phấn đấu mỗi ngày mà đó còn là niềm khao khát được tỏa sáng trên sân khấu; được lan tỏa mạnh mẽ hơn nghệ thuật xiếc Việt Nam đến với khán giả.

Năm 2009, 2011 đến 2018, Lô Thị Ngọc Thúy làm việc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Cô nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL. Đầu tháng 3 vừa qua, Thúy đón nhận hai niềm vui cùng lúc khi có mặt trong danh sách bầu chọn “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2023 và vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Tin cùng chuyên mục