Khó xử lý hàng rong ở phố cổ Hội An

Từ xưa, hàng rong đã góp phần tạo nên phần hồn, nét văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An (Quảng Nam). Tuy nhiên, loại hình buôn bán này hiện đang xuất hiện dày đặc trong các tuyến đường của phố cổ, phát sinh hiện tượng chèo kéo, “chặt chém” du khách. 
Hơn 6 tháng qua, các cấp ban, ngành của TP Hội An ra quân rầm rộ, cương quyết chấn chỉnh, nhưng xem ra khó giải quyết triệt để vấn nạn này.
Có mặt tại phố cổ Hội An những ngày cuối tháng 8, thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, du khách rất đông. Hòa trong đoàn du khách là nhiều người bán hàng rong công khai, thậm chí bán ngay trước bảng cấm. Không những thế, họ còn vây quanh khách, tràn xuống lòng đường mời mọc chèo kéo. Từ hàng ăn uống như tàu hũ, bắp, mì Quảng, kem, chè... đến các mặt hàng điện tử, mắt kính, vật bay phát quang, tranh 3D... trải dài khắp các tuyến đường trong phố cổ như Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, ngã ba chùa Cầu... 
Khó xử lý hàng rong ở phố cổ Hội An ảnh 1 Hàng rong vây kín lối đi
Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cơ quan thực hiện “Đề án bố trí buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu phố cổ Hội An” cho biết, tình trạng buôn bán lộn xộn, phức tạp và có chiều hướng gia tăng trở lại.
Thái độ của người buôn bán thì ngày càng thô lỗ, thường xuyên bu bám, chèo kéo, tranh giành khách, thậm chí cãi vã, chửi bới lẫn nhau. Chợ đêm Nguyễn Hoàng luôn trong tình trạng kẹt cứng người vì quá đông khách và xe đẩy.
Tình trạng này cũng diễn ra trên 2 tuyến đường Nguyễn Phúc Chu và Bạch Đằng, đặc biệt vào buổi tối. Người bán hoa đăng, chèo thuyền tràn ra giữa đường chèo kéo du khách.
Một số hộ kinh doanh trong phố cổ vẫn ngang nhiên sử dụng đèn sáng trắng, trái với quy định sử dụng ánh sáng trong phố cổ, mặc dù lực lượng chức năng đã nhiều lần nhắc nhở.
Theo tìm hiểu, lực lượng tuần tra cũng không thường xuyên, nhất là ngoài giờ hành chính. Điều này tạo nên kẽ hở cho người bán hàng rong tràn vào phố cổ, nhất là những người dân từ địa phương khác đến.
Vì họ là những đối tượng không nằm trong diện được sắp xếp bố trí lại nơi buôn bán mới. Chị T, quê ở Điện Phương, Điện Bàn (Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi đã bán đậu hũ nhiều năm quanh phố cổ, vốn liếng không, nghề không, biết TP cấm nhưng không bán thì làm gì đây?
Mà bán theo quy định thì không biết bán ở đâu, vì không nằm trong diện được sắp xếp. Đành chấp nhận bán rong, khi bị đuổi thì chạy, đến đâu hay đến đó...”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hàng rong luôn tái diễn là lợi nhuận thu được quá cao, người dân bất chấp.
Ông Sơn nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thu rất nhiều xe đẩy, việc xử lý triệt để cái này phải lâu dài chứ không thể một sớm một chiều được. Với những hộ dân của Hội An buôn bán lâu năm thì mình phải tìm mặt bằng cho họ, còn những nơi khác tới thì phải đẩy đuổi tịch thu vì mình có biển cấm hết rồi. Nói chung, với hàng rong mới phát sinh không thể gọi hàng rong truyền thống được, việc buôn bán này gây ảnh hưởng trật tự nên chỉ có mỗi biện pháp là xử lý, tịch thu”.
Ông Sơn cũng cho rằng: TP sẽ cương quyết làm đến nơi đến chốn nhằm chấn chỉnh mỹ quan đô thị. Đặc biệt, sẽ gắn với trách nhiệm của bí thư, chủ tịch các phường liên quan. Nếu còn xảy ra tình trạng bán hàng rong trên địa bàn thì TP xử lý, kỷ luật các lãnh đạo phường.

Tin cùng chuyên mục