Kích cầu ngành cơ khí - điện

Để vượt qua hàng loạt khó khăn hiện tại, ngành cơ khí - điện TPHCM cần nhanh chóng xây dựng chiến lược đồng bộ nhằm kích cầu sức mua cũng như giảm sức ép cạnh tranh.
Kích cầu ngành cơ khí - điện

Để vượt qua hàng loạt khó khăn hiện tại, ngành cơ khí - điện TPHCM cần nhanh chóng xây dựng chiến lược đồng bộ nhằm kích cầu sức mua cũng như giảm sức ép cạnh tranh.

Sức ép cạnh tranh

Theo Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM, trong những năm gần đây lợi nhuận của khối doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất các sản phẩm đầu cuối như: xe đạp, xe máy, ô tô, quạt điện, đồ điện gia dụng… giảm sút mạnh và thị trường bị thu hẹp từ 50% - 70%. Nguyên nhân là do sản phẩm sản xuất nội địa bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng hóa, máy móc thiết bị cũng như dây chuyền công nghệ được nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch từ Trung Quốc (TQ).

Bà Lã Thị Lan, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM, đánh giá, mặc dù hàng TQ chất lượng không đảm bảo nhưng có lợi thế giá rẻ nên rất phù hợp với người tiêu dùng là các đối tượng có thu nhập thấp, trung bình, mà phân khúc khách hàng này chiếm đến 90%!

Sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại Công ty IMEXCO. Ảnh: CAO THĂNG

Một khó khăn nữa mà cộng đồng doanh nghiệp ngành cơ khí - điện TPHCM đang gặp phải là giá thành sản xuất tăng cao bởi các chi phí đầu vào như giá điện, nước, xăng dầu đều tăng, dẫn đến hiệu quả cạnh tranh thấp. Ngoài ra, lực lượng lao động kỹ thuật cao bị các DN lớn, đặc biệt là khối DN FDI thu hút. Riêng nguồn lực tài chính của các DN bị suy kiệt do trong những năm 2010 - 2013 phải chi trả lãi vay ngân hàng quá cao, dẫn đến hết vốn, dòng tiền kém, ngân hàng không còn cho vay các khoản mới.

Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư máy móc công nghệ cao, hàng sản xuất đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn bị cạnh tranh khốc liệt hơn do chi phí nhiều nên giá thành vì thế cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, chính sách thuế đối với ngành này còn nhiều bất cập, chưa tạo nguồn lực để các DN phát triển. Đơn cử, hiện nay các máy móc, khuôn mẫu mặc dù trong nước chế tạo được rất tốt nhưng nhập khẩu thuế suất vẫn bằng 0%, trong khi DN trong nước chế tạo phải nhập khẩu thép carbon và các linh kiện như motor server, bộ điều khiển (driver) phải chịu thuế suất lên đến 20% - 30%.

“Do những bất cập này, DN làm ra sản phẩm muốn bán được phải có giá bán cạnh tranh với hàng nhập khẩu không thuế nên hiệu quả kinh tế thấp, khó phát triển”, ông Đỗ Phước Tống giải thích.

Cần chính sách đồng bộ

Theo ông Đỗ Phước Tống, để giảm bớt khó khăn cho DN ngành cơ khí, trước mắt cần tạo hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm chế tạo trong nước sản xuất đạt chất lượng tương đương hoặc tốt hơn hàng nhập khẩu. Giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm dùng cho chế tạo phụ tùng công nghiệp phụ trợ, chế tạo khuôn mẫu, máy móc… nhằm hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo trong nước.

Mặt khác, hỗ trợ kinh phí đối với các DN đã chủ động nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ mới thay thế hàng nhập khẩu; tạo thêm đơn hàng cho ngành cơ khí chế tạo có đầu tư các máy móc, thiết bị chất lượng cao từ các dự án dùng vốn ngân sách. Đồng thời tăng cường hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho đội ngũ kỹ thuật, cán bộ quản lý của các DN cơ khí chế tạo nhằm tăng nội lực cho DN.

Đồng quan điểm này, bà Lã Thị Lan cũng đề nghị UBND TPHCM cần có giải pháp hỗ trợ cho các DN nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. Cụ thể, cấp thiết mở ngay các lớp đào tạo miễn phí để dạy cho các giám đốc, phó giám đốc sản xuất công ty. Mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật cao để trang bị thao tác làm việc chuyên nghiệp khi sử dụng các máy móc thiết bị điều khiển tự động, công nghệ mới.

Trong kiến nghị gửi UBND TPHCM mới đây, ngoài những đề nghị hỗ trợ về chính sách, vốn… Hội Cơ khí, Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP cũng cho rằng TP cần tổ chức gặp gỡ một số doanh nghiệp FDI lớn có nhu cầu sử dụng các linh kiện nội địa hóa và các sản phẩm dịch vụ để DN trong nước có thể tiếp cận cung ứng, hợp tác. Trong đó, DN trong nước cùng DN FDI xây dựng quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào, đầu ra.

Bởi hiện nay, đa số DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều mang theo chuỗi cung ứng là các DN từ nước ngoài hoặc nếu chọn DN mới cũng ưu tiên chọn người bản xứ của họ đang hoạt động tại Việt Nam. Điều này tạo ra những bất lợi khi DN trong nước muốn liên kết, hợp tác với các DN FDI nhằm kích cầu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm trong nước.

“Chúng tôi cho rằng việc gặp gỡ, kết nối giữa DN trong nước và DN FDI là một trong những vai trò chính của thành phố trong việc tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích DN trong nước phát triển sản xuất kinh doanh”, bà Lã Thị Lan bày tỏ.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục