Technocom và câu chuyện đi tìm một thương hiệu Việt

1- Kharkov - Đất lành
Technocom và câu chuyện đi tìm một thương hiệu Việt

Vừa đến Ucraina tham dự một hội thảo quốc tế, chả hiểu nhìn hình hài của tôi ra sao mà các đồng nghiệp ra đón cứ đoan chắc tôi là người Trung Quốc, tôi cười và đáp lại: - Việt Nam. Hầu như tất cả mọi người đều ồ lên, ánh mắt thân thiện và trìu mến. Một người trong số đó giơ 2 ngón trỏ và giữa lên: Việt Nam - Technocom! Tôi cảm ơn các bạn nhưng quả thật không hiểu Technocom nghĩa là gì. Đem câu chuyện kể lại với Đại sứ Việt Nam tại Ucraina lúc đó là anh Vũ Dương Huân, anh Huân cười đáp: - Đó là tên một tập đoàn kinh tế của người mình, làm ăn hết sức thành đạt, họ là những đại sứ thiện chí cho Tổ quốc ở nơi này, anh nên tranh thủ thời gian về Kharkov một chuyến, sẽ có nhiều bất ngờ cho anh thấy. Nghe lời ông Đại sứ, tôi rời Kiev đi tìm lai lịch, danh tính của Technocom.

1- Kharkov - Đất lành

Technocom và câu chuyện đi tìm một thương hiệu Việt ảnh 1

Trường tiểu học mang tên Mùa Xuân của Technocom.

Gần hai mươi năm trước, khi Liên Xô tan rã, các nước cộng hòa tuyên bố độc lập, cả một vùng đất rộng lớn lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài. Khá nhiều sinh viên, lao động Việt Nam đang sống ở Nga, Ucraina và các nước khác rơi vào bế tắc.

Phạm Nhật Vượng, Phạm Thu Hương, Lê Viết Lam, Nguyễn Hương Lan, Trần Minh Sơn..., vốn là sinh viên các trường đại học ở Matxcơva nương tựa vào nhau, làm thuê, buôn bán nhì nhằng để kiếm sống. Bươn chải mấy năm, họ nhận ra một điều: Matxcơva là nơi dành cho những ông lớn với những cuộc chơi lớn, không phù hợp với chiếc túi rỗng và cách tác chiến “cò con” của họ. Ngoảnh đi, nhìn lại, những người trẻ đó chọn thành phố Kharkov của Ucraina làm điểm dừng chân.

Vạn sự khởi đầu nan, họ lập nghiệp bằng cách mở những “ốp”, những “công” (container) để buôn bán hàng hóa. Hàng được “đánh” từ Trung Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và từ bên nhà sang. Một số người còn bán cả rau quả, thực phẩm. Cuối năm 1993, người Việt xây dựng một khu chợ nhỏ của mình, mở thêm cửa hàng Thăng Long chuyên bán đồ ăn Việt. Trong suy nghĩ của họ, bán hàng ở chợ, ở ốp có thể thu lợi ngày một tăng nhưng vị thế người Việt trong con mắt chính quyền và người dân sở tại không “lớn” lên được.

Một lần trở lại nước Nga vào đầu năm 1995, tình cờ Vượng, Lam, Sơn gặp nhóm kỹ sư đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Qua chuyện trò được biết, họ đến Lêningrat để lắp đặt một dây chuyền sản xuất mì ăn liền “Made in Việt Nam”. Một ý nghĩ lóe sáng: sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga nghèo đi nhiều lần, Ucraina cũng thế. Mì ăn liền cho người thu nhập thấp, tại sao không? Ngay trong quán ăn hôm đó, một hợp đồng được ký kết. Tổng giá trị của dây chuyền này lắp tại Kharkov là 250.000 USD. Về nhà xưởng, khỏi lo, Kharkov đang có cả ngàn nhà máy, công xưởng nằm đắp chiếu do đói nguyên liệu và thiếu khách hàng. Năng lực quản lý, điều hành cũng không thành vấn đề. Cái khó lớn nhất là khâu “đầu tiên”.

Ngày đó, huy động được vài chục ngàn “đô” còn khó hơn kiếm được mấy chục triệu “đô” bây giờ. Rồi cũng vượt qua được. Sau 5 tháng xây dựng, lắp đặt thiết bị, đúng vào ngày sinh Bác Hồ, nhà máy mì ăn liền đầu tiên trên đất Ucraina đi vào hoạt động. Nhà máy mang tên Mivina - Mì Việt Nam.

Dây chuyền “hai vắt”, theo cách nói của công nhân nhà máy, cho ra sản phẩm đều đặn mỗi ngày, có bán được ra thị trường nhưng mức tiêu thụ chậm. Người Ucraina ngày đó không tin có một loại thực phẩm chỉ bỏ vào nước sôi vài phút lại có thể ăn được. Họ cũng không có thói quen sử dụng mì chính, bột nêm. Lại phải lên báo, đài quảng bá sản phẩm, bày cách tiêu dùng.

Hàng bán chạy đến không ngờ. Phạm Nhật Vượng kể: trong bước đầu gian khổ ấy, có một kỷ niệm khó quên. Vào một buổi chiều, anh nhận được lá thư của một cựu binh Ucraina. Bức thư có đoạn: “Xin cảm ơn ông và nhà máy Mivina đã giúp gia đình tôi vượt qua thời buổi quá khó khăn này. Như ông biết đấy, trợ cấp của tôi hiện tại được hơn 75 Grivna (khoảng 15 USD). Đến bữa, mỗi thành viên trong gia đình chỉ được phép ăn nhiều nhất là nửa gói mì. Ơn trời, nhờ nó, có thể nuốt trôi các thứ khác”.

2- Technocom - một thương hiệu Việt

Technocom và câu chuyện đi tìm một thương hiệu Việt ảnh 2

Siêu thị Sun City Plaza của Technocom. Ảnh: N.T.K.

Chưa đầy một năm sau, Mivina chiếm lĩnh thị trường Ucraina một cách lặng lẽ mà ngoạn mục. Hình hài một tập đoàn kinh tế mang tên Technocom lớn dần. Năm 1999, Tập đoàn xây dựng nhà máy thứ hai hiện đại hơn, công suất gấp 5 lần nhà máy trước đó. Hàng vẫn rất chạy.

Lãnh đạo Tập đoàn quyết định đầu tư chiều sâu theo công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, tạo thêm sản phẩm mới, ngành hàng mới. Năm 2003, nhà máy Mivina 3 mọc lên trên mặt bằng rộng 10 ha vốn là cơ sở cũ của tổ hợp Búa Liềm, trước đây thường sản xuất tua-bin và các thiết bị thủy điện. Rồi thêm 1 nhà máy sản xuất thịt hầm, chế biến nước chấm, 1 nhà máy sản xuất thùng carton, in ấn bao bì công nghệ cao và một nhà máy sản xuất thực phẩm ăn nhanh đặt ở Ba Lan.

Tổng số cán bộ, công nhân của Tập đoàn lên đến gần 4.000 người, theo mô hình: từ quản đốc phân xưởng trở lên là người Việt; một số kỹ sư, chuyên gia và toàn bộ công nhân là người Ucraina. Lương bình quân của công nhân là 225 USD, cao gấp hai lần mức bình quân của thành phố Kharkov (chỉ tính những người có việc làm ổn định). Sản phẩm chính của tập đoàn là mì ăn liền, mì sợi các loại, bột canh, hạt nêm, bánh snack, khoai tây ăn liền, bánh mì khô ướp gia vị, nước chấm, thịt hầm. Doanh thu bình quân mỗi tháng của cả 6 nhà máy đạt khoảng 10 triệu USD.

Ở lĩnh vực thương mại, cái khu chợ tồi tàn, chật hẹp thuở nào đã được cộng đồng người Việt phá bỏ, hợp sức cùng chính quyền sở tại xây dựng thành Trung tâm Thương mại Barabasova lớn nhất Ucraina. Barabasova có diện tích 60 hecta, hơn 21.500 điểm bán hàng khang trang, sạch đẹp, ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của 1/3 dân số Kharkov. Mỗi ngày, trung tâm đón từ 200.000 đến 300.000 lượt khách, ngày đông nhất lên tới nửa triệu lượt khách hàng. Hơn một nửa diện tích của Barabasova là của người Việt (bằng hơn 60 sân bóng đá tiêu chuẩn ghép lại).

Công trình đẹp nhất, nổi bật nhất của trung tâm là nhà kính rộng 5.700m² mang tên Nôvưi Vek (Thế kỷ mới). Trước tòa nhà, tung bay 21 lá cờ của các quốc gia có công dân đang buôn bán tại đây. Lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam được treo trang trọng ở giữa. Một dự án lớn khác - Trung tâm Thương mại Aver City, 3 tầng, diện tích 81.000m², tổng vốn đầu tư 48 triệu USD đang được xây dựng. Gần ga tàu điện ngầm trên đại lộ Moskovsky, siêu thị mang tên Sun City Plaza 1, 4 tầng của Technocom đã đi vào hoạt động từ 4 năm nay và siêu thị kiêm văn phòng cho thuê cao cấp Sun City Plaza 2, 10 tầng, tổng diện tích 20.000m² đang được hoàn thiện để chính thức vận hành trong thời gian tới. Ở phố Kirgiskaia, nhà hàng Thăng Long, Trung tâm Ẩm thực Á Đông nườm nượp khách ra vào.

Mỗi tháng, Technocom nộp ngân sách cho thành phố Kharkov gần 1 triệu USD, là doanh nghiệp có mức nộp ngân sách cao nhất. Sản phẩm của Mivina chiếm 80%-85% thị phần các mặt hàng cùng loại trên địa bàn. Từ năm 2003, sản phẩm của Mivina liên tục giành được các giải thưởng danh giá: Chất lượng châu Âu, Thương hiệu Vàng, Mặt hàng số 1 trong năm, bán rất chạy ở hơn 20 nước châu Âu.

Sau hơn 12 năm xây dựng, trưởng thành, đến nay, chỉ riêng ở Ucraina, Mivina chiếm giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh với tổng vốn pháp định lên tới trên 25 triệu USD, tổng giá trị tài sản trên 200 triệu USD. Năm 2006, Tạp chí Gvardia - một tạp chí về rating uy tín nhất của nước này khẳng định: giá trị thương hiệu Mivina (thương hiệu sản phẩm chính của Technocom) lên tới 1 tỷ USD.

3- Làng Thời Đại và tượng đài Thánh Gióng

Sống trên đất bạn, không chỉ biết kiếm tiền, phải sống cho ra sống - đàng hoàng, chững chạc và nhất thiết phải làm rạng danh người Việt, đất Việt. Đó là suy nghĩ, tâm nguyện của Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Lương Quốc Bình, Nguyễn Văn Thành, Trần Đức Tựa, Nguyễn Thủy Hà, Hoàng Văn Sơn... và tất cả những người Việt ở đây.

Bằng công sức, trí tuệ, cả giọt nước mắt tha hương, họ đã ghi những dấu ấn để đời: Làng Thời Đại, diện tích 10 ha, 3 tòa nhà lớn với trên 300 căn hộ đạt tiêu chuẩn châu Âu; Quảng trường Phù Đổng với Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng cao 10m; công viên nước Jungle có mái che lớn nhất Ucraina, vốn đầu tư lên tới 10 triệu USD; Trường Tiểu học Mùa Xuân, giảng dạy bằng 2 thứ tiếng Việt và Nga; 2 cung thể thao trong nhà có tổng diện tích hơn 6.000m²; 1 trung tâm y học cổ truyền Việt Nam; 1 khu nghỉ dưỡng, vui chơi ở ngoại ô Kharkov rộng hàng chục héc ta; xuất bản Tạp chí “Quê Hương” bằng tiếng Việt và Tạp chí “Việt Nam hôm nay” bằng tiếng Nga; họ dựng nên những thương hiệu Technocom, Mivinal… được nhiều người biết và nể trọng.

Từ mấy trăm sinh viên và người lao động ban đầu, số người Việt đến và chọn Kharkov làm quê hương thứ hai tăng dần theo năm tháng. Hiện tại, thành phố có khoảng 5.000 người Việt, bằng 2/3 người Việt ở Ucraina. Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, ít có nơi nào, cộng đồng người Việt lại đoàn kết, yêu thương, đồng tâm hướng về Tổ quốc tạo được hình ảnh đẹp, uy tín cao như những người Việt ở đây. Hội người Việt Kharkov có Quỹ “Ngôi sao Phương Đông”, mỗi năm dành 300.000 USD giúp người dân sở tại: các cụ già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, các cựu chiến binh (đặc biệt là các CCB từng giúp Việt Nam chống Mỹ), xây dựng các công trình phúc lợi, hỗ trợ một số tổ chức từ thiện của bạn.

Hội cũng thường xuyên quyên góp tiền của gửi về nước giúp đỡ các địa phương, các gia đình bị thiên tai, hưởng ứng phong trào xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, “Hỗ trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam”. Phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam toàn Ucraina, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tỉnh Kharkov, Tập đoàn Technocom tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư cho một số ngành, địa phương từ bên nhà sang.

Tập đoàn Technocom đã và đang đầu tư về nước hàng trăm triệu USD, xây dựng, kinh doanh Tòa tháp đôi Vincom 23 tầng (ở Hà Nội); khách sạn 5 sao Sofitel Vinpearl và quần thể du lịch - văn hóa Hòn Ngọc Việt (ở Nha Trang); dự án khu du lịch sinh thái và sân golf trên 500 ha ở quận Long Biên, dự án nâng cấp toàn bộ công viên Thống Nhất (Hà Nội); đang tìm cơ hội đầu tư vào TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Dáng vóc của một tập đoàn kinh tế đa ngành, đa sản phẩm, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, mơ ước nhịp bước cùng Thời Đại, sức vươn của Phù Đổng ngày một hiện rõ, dù ở nơi xa ngái hay trên đất mẹ yêu thương.

NGUYỄN THẾ KỶ

Tin cùng chuyên mục