Lọt vào “luồng xanh” hải quan - Thêm 10 container gỗ… nằm chờ!

Nhờ tin báo mới phát hiện?
Lọt vào “luồng xanh” hải quan - Thêm 10 container gỗ… nằm chờ!

Trước đây đã từng có vụ container gỗ xơ dừa nằm trong luồng xanh hải quan, tức về nguyên tắc được miễn kiểm nhưng khi kiểm tra đã bị phát hiện có vi phạm. Mới đây lại xảy ra vụ 10 container gỗ lọt vào luồng xanh, nhưng nhờ tin báo, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) vào cuộc và cũng phát hiện vi phạm! Lại thêm một vụ “con voi” chui lọt “lỗ kim”?

Kiểm tra container hàng đầu tiên.

Kiểm tra container hàng đầu tiên.

Nhờ tin báo mới phát hiện?

Khi làm thủ tục xuất khẩu đi Hồng Công (Trung Quốc), lô hàng gỗ của Công ty TNHH Đại Phước (trụ sở tại 7C-8C-9C cư xá Bà Điểm, Hóc Môn, TPHCM) đã được Hải quan (HQ) Mỹ Thới - An Giang xác nhận là gỗ trắc xẻ hợp pháp và được cho vào luồng xanh miễn kiểm tra. Nhưng nguồn tin do trinh sát cung cấp lại cho biết đây là lô hàng có nguồn gốc trái phép (sử dụng hồ sơ nhập khẩu nhiều lần để hợp pháp hóa hàng lậu xuất khẩu).

Vì thế, Chi cục QLTT TPHCM đề nghị phối hợp với HQ kiểm tra lô hàng khi đang làm thủ tục tại cảng Cát Lái. Lô hàng này đã được lọt vào luồng xanh nên cơ quan chức năng chỉ tiến hành kiểm tra 10% hàng hóa (chọn 1 trong số 10 container để kiểm tra). Dù vậy, kết quả kiểm tra cũng đã cho thấy có rất nhiều vi phạm, không đúng như trong tờ khai HQ.

Chứng minh lô hàng xuất khẩu hợp pháp, Công ty Đại Phước trưng ra hồ sơ lô hàng có nguồn gốc nhập khẩu từ Campuchia vào năm 2007 với nội dung “gỗ nội thất, gỗ xẻ hình vuông, hình chữ nhật có độ dày tối đa 25cm”.

Nhưng qua kiểm tra thực tế, lô hàng xuất khẩu này có cả gỗ tròn, gỗ đẽo hộp và có cái độ dày trên 25cm…). Như vậy, “Công ty Đại Phước có hành vi khai tên hàng xuất khẩu không đúng với tên hàng khi nhập khẩu, hàng xuất khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu” (nội dung biên bản tại HQ Cát Lái).

Căn cứ vào danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm Nghị định (NĐ) số 12/2006/NĐ-CP thì gỗ tròn, gỗ xẻ từ gỗ rừng tự nhiên trong nước thuộc danh mục cấm xuất khẩu. Vì thế, các cơ quan HQ Cát Lái, QLTT, kiểm lâm đề nghị kiểm tra toàn bộ lô hàng 10 container để xác định sắc mộc, quy cách, từ đó có cơ sở xác định mức độ vi phạm.

Bất nhất: 10 sao chỉ xử 1?

Theo biên bản cuộc họp của Ban chỉ đạo 127/TW (Ban phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại), hầu hết các thành viên tham gia như công an (C15B), QLTT, kiểm lâm đều thống nhất rằng phải kiểm tra toàn bộ lô hàng (10 container) để xác định mức độ vi phạm. Ngay trước đó, HQ Cát Lái cũng thống nhất quan điểm này, nhưng HQ TPHCM lại cho rằng không cần thiết phải kiểm tra, giám định 9 container còn lại.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Cục trưởng Cục HQTP cho rằng, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn phúc đáp cho Công an Tiền Giang một trường hợp tương tự là “không áp dụng đối với gỗ và các lâm sản khác từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào VN (kể cả trường hợp có chênh lệch về số lượng, khối lượng khi đo đếm)” - theo khoản 1 Điều 1 NĐ số 159/2007/NĐ-CP.

Tuy nhiên, QLTT lại cho rằng, áp dụng như thế là cố tình “cắt khúc” câu chữ, vì trong cùng khoản này của NĐ, tiếp sau câu đó có quy định: “Hành vi nhập khẩu gỗ trái quy định hiện hành của nhà nước; lợi dụng hồ sơ nhập khẩu để khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép gỗ rừng tự nhiên trong nước phải xử phạt theo quy định tại NĐ này”. Trong khi lô hàng của Đại Phước không đúng với hồ sơ nhập khẩu trước đó cả về quy cách, chủng loại chứ không chỉ chênh lệch về số lượng, khối lượng.

Vì thế, QLTT cho rằng, hàng hóa thực tế không đúng theo khai báo của hồ sơ gốc thì là hành vi nhập khẩu gỗ trái quy định, mà đã là hàng lậu, hàng cấm xuất khẩu thì phải áp dụng theo Điều 22 NĐ 159. Theo đó, “hành vi mua, bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép là việc tiến hành các hành vi này mà không có giấy tờ hợp pháp hoặc có giấy tờ hợp pháp nhưng không đúng với nội dung giấy tờ đó…”.

Với pháp luật hiện hành, nếu xuất nhập khẩu gỗ lậu từ 6m³ (gỗ xẻ), tương đương 10m³ (gỗ tròn) trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội hình sự. Mà theo kết quả giám định 1 container đầu tiên đã phát hiện trên 20% vi phạm (đó là chưa kể lô hàng có nhiều thanh gỗ xẻ không có số ký hiệu hoặc có số nhưng lại không trùng với bản kê), thì theo các cơ quan QLTT, C15B nhất thiết phải kiểm tra toàn bộ lô hàng để xác định mức độ vi phạm mới có đủ cơ sở xử lý hành chính hay hình sự.

Chuyện chỉ đơn giản là kiểm toàn bộ lô hàng để xác định mức độ vi phạm, nhưng do HQ không nhất trí, doanh nghiệp không đồng ý kiểm tra và gởi đơn đến các cơ quan chức năng sau khi UBND TPHCM họp đến 2 lần vẫn chưa có hướng xử lý đành phải chuyển hồ sơ lên Ban chỉ đạo 127/TW.

Trong lúc BCĐ 127 đang họp xử lý và họp đề xuất Thủ tướng “giao UBND TP chỉ đạo kiểm tra, giám định chi tiết toàn bộ lô hàng để làm rõ mức độ vi phạm” (theo biên bản cuộc họp ngày 14-9-2009) thì trước đó, qua kiến nghị của các hiệp hội, bộ ngành, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cũng có văn bản 5560 ngày 13-8-2009 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng giao UBND TP chỉ đạo “tiến hành kiểm tra xác minh đủ giấy tờ nhập khẩu hợp pháp thì giải tỏa ngay theo đúng quy định tại NĐ 159”.

Và tiếp đến là ngày 8-10-2009, VPCP lại có văn bản số 7006 cũng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu UBND TP khẩn trương thực hiện dứt điểm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng CP tại văn bản 5560 (dù trong văn bản 5560 nêu rõ đó cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng).

Như vậy, với sự chỉ đạo bất nhất: VPCP thì yêu cầu “kiểm tra xác minh đủ giấy tờ”, còn BCĐ 127 thì yêu cầu “kiểm tra chi tiết hàng hóa” vì giấy tờ không phù hợp với hàng hóa thực tế, nên UBND TP với chức năng cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn không biết xử lý thế nào, đành một lần nữa gởi công văn… mô tả diễn biến sự việc và đề nghị Chính phủ chỉ đạo BCĐ 127/TW phối hợp với các bộ ngành giải quyết.

Cuối cùng hơn nửa năm, lô hàng gỗ vi phạm do quần chúng cung cấp tin báo vẫn chưa được xử lý dứt điểm để đem lại niềm tin cho người tố giác tội phạm. Đó là chưa kể, chi phí kho bãi tính đến giờ đã lên gần 2 tỷ đồng.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục