Tận diệt tài nguyên khoáng sản - Bài 3: Đất ven sông - mồi hà bá

1.001 kiểu khai thác
Tận diệt tài nguyên khoáng sản - Bài 3: Đất ven sông - mồi hà bá

Tình trạng khai thác cát, nơi tràn lan, nơi lén lút đang là vấn đề nhức nhối ở khu vực miền Trung. Hậu quả, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguồn thu ngân sách; các dòng sông xói lở, góp phần gây nên lũ lụt và hạn hán. Mặc cho các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng do lợi nhuận nên tình trạng khai thác trái phép trên các sông vẫn tiếp diễn.

Các phương tiện hút cát trái phép trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: HÀ MINH

Các phương tiện hút cát trái phép trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Ảnh: HÀ MINH

1.001 kiểu khai thác

Từ nhiều tháng qua, sông Túy Loan - dài 15km phía thượng nguồn giáp xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), hạ lưu đổ về sông Hàn tại cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) hàng ngày có hàng chục chiếc ghe máy có công suất lớn, được trang bị “vòi rồng” ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông giữa ban ngày.

Từ 2 giờ sáng đến 14 giờ chiều, nhiều ghe cát nối đuôi nhau neo đậu sục vòi rồng vào bờ để hút cát. Chỉ tính riêng đoạn sông Túy Loan từ cầu Giăng (xã Hòa Nhơn) đến vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan (thuộc thôn Túy Loan Tây 1) dài chỉ chừng 1km nhưng có đến hàng chục “mỏ” cát trái phép.

Các ghe cát này ngang nhiên khai thác cát trái phép giữa ban ngày. Dọc 15km sông Túy Loan từ Cầu Đỏ đến xã Hòa Phú có hàng chục điểm khai thác cát trái phép khiến hai bên triền sông xuất hiện nhiều hố lớn xoáy sâu vào đất liền.

Chị Lê Thị Lan (thôn Túy Loan Tây 1) đang trồng rau tại đây chỉ tay về phía bờ sông sạt lở nghiêm trọng, ăn sát vào ruộng rau nhà mình, bức xúc: “Họ hút cát cả đêm lẫn ngày khiến sông ăn sát vào ruộng rau của chúng tôi. Nếu như chính quyền không có cách để bảo vệ thì đến cuối năm, vùng sản xuất rau an toàn này chẳng còn đất đâu để sản xuất”.

Tại khu vực gò Mồ Côi thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), người dân cho biết đêm nào cũng có hàng chục ghe hút cát tận bờ, làm sạt lở đất vườn sản xuất của hàng chục hộ dân.

Theo Hội Nông dân xã Điện Phong, hiện đã có khoảng 40ha đất biền, đất ven sông trồng các loại cây công nghiệp là chỗ dựa kinh tế của người dân đã bị “xóa sổ”. Chỉ riêng thôn Triêm Tây đã mất đi cả chục hécta đất vườn và đất màu, hơn 20 ngôi nhà đầu làng phải di dời trong thời gian qua.

Tại khu vực này, mỗi ngày có 30 thuyền đến hút cát, bình quân hàng ngày hút cả ngàn mét khối cát. Khu vực giáp ranh giữa xã Cẩm Kim - phường Thanh Hà (TP Hội An) và thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (huyện Điện Bàn) là “điểm nóng” của nạn khai thác cát. Thôn Vĩnh Thành, xã Cẩm Kim trước đây có 125 hộ, do lở sông đã chuyển đi, nay chỉ còn 35 hộ.

Đi dọc sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi), trên nền đất cát khô cạn giữa sông có hàng loạt bãi khai thác cát dã chiến. Tại bãi khai thác cát thuộc phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi), ngay từ mờ sáng đã có hàng chục xe tải nối đuôi nhau tập trung chờ máy đào xúc cát đổ lên chở đi tiêu thụ.

Thất thoát tài nguyên

Từ đầu năm 2010, UBND xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) thành lập tổ xử lý khai thác cát trái phép và có một ghe máy để tuần tra bảo vệ. Nhưng do lực lượng quá mỏng, chức năng không nhiều nên chỉ xử lý hành chính với mức không quá 1,5 triệu đồng/trường hợp nên không thể xử lý triệt để.

Bên cạnh đó, vì sông Túy Loan là ranh giới giữa 2 xã Hòa Phong và Hòa Nhơn nên khi bên chính quyền xã Hòa Nhơn kiểm tra thì đối tượng khai thác cát chạy sang bên Hòa Phong để… né bị xử lý, và ngược lại.

“Chưa đầy một năm, xã Hòa Nhơn mất 3ha đất sản xuất vì khai thác cát trái phép. Chúng tôi đã rất cố gắng bảo vệ nhưng không thể làm được…” - ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn than thở.

Xí nghiệp Hợp tác xã Vận tải Sông Thu - Điện Bàn, Quảng Nam - đơn vị có 155 tàu vận tải, khai thác cát trên sông Thu Bồn có công suất khai thác, vận tải gần 5.000m³ cát/ngày. Nguồn cát này phục vụ xuất khẩu (qua Công ty CP Đầu tư phát triển Hội An - DIC) và thị trường xây dựng ở Đà Nẵng. Đầu năm 2010, Chính phủ cấm xuất khẩu cát, việc kinh doanh bất lợi, nên Công ty DIC bỏ dở giấy phép, thanh lý hợp đồng với XN. Gần 300 xã viên XN HTX Vận tải Sông Thu lại trở về phương thức khai thác trái phép trước đây.

Đại diện UBND huyện Điện Bàn cho biết: “UBND và Phòng TN-MT huyện chưa có quyết định nào cấm khai thác cát trên sông cả. Huyện cũng chưa nhận thông báo cấm từ cấp tỉnh”. Hệ quả, hàng trăm phương tiện không đăng kiểm, không biển số, không giấy phép thông hành... vẫn ngang nhiên hút cạp cát”.

Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh này đã ban hành phương án chung đấu giá quyền khai thác cát lòng sông làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Chưa biết việc thu lợi cho ngân sách Nhà nước bao nhiêu từ hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp trên sông Trà, mà trước mắt chỉ thấy trong vài năm gần đây, sau mỗi mùa lũ dọc con sông này lại có thêm nhiều vết lở mới và số kinh phí thu được bán đấu giá các bãi cát thì… chưa thống kê được!

Sa tặc lộng hành, sông xói lở, người dân mất đất sản xuất; cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý, quản lý đã “góp phần” xâm hại, bức tử những dòng sông tại miền Trung. Đã đến lúc cần quy hoạch và quản lý chặt chẽ tài nguyên cát, không chỉ bảo đảm nguyên liệu cho các ngành xây dựng, sản xuất mà còn hạn chế sự tàn phá môi trường sống như hiện nay.

Nguyên Khôi - Hà Minh

Tận diệt tài nguyên khoáng sản

- Bài 2: “Móc ruột” sông, núi tìm vàng

- Bài 1: Hiểm họa khai thác

Tin cùng chuyên mục