Kiên quyết sắp xếp, cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước

Hôm qua 19-11, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2010 - 2015) Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã khai mạc với sự tham dự của 318 đại biểu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
Kiên quyết sắp xếp, cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước

Hôm qua 19-11, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2010 - 2015) Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã khai mạc với sự tham dự của 318 đại biểu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

  • Chưa phát huy được vai trò dẫn dắt nền kinh tế

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương được thành lập tháng 4-2007. Hiện nay, Đảng bộ khối có 33 Đảng bộ trực thuộc, gồm: 31 Đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng cùng với Đảng bộ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Đảng bộ cơ quan thuộc Đảng ủy khối, với trên 66.000 đảng viên.

Sản xuất máy nổ và máy phát điện xuất khẩu tại công ty VIKYNO và VINAPPRO. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất máy nổ và máy phát điện xuất khẩu tại công ty VIKYNO và VINAPPRO. Ảnh: CAO THĂNG

Báo cáo chính trị của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết, trong 3 năm (2007 - 2009), các doanh nghiệp trong khối có tốc độ tăng doanh thu bình quân 30%/năm, thấp là 7%/năm, lợi nhuận tăng nhanh, nộp ngân sách nhà nước trên 457.000 tỷ đồng, chiếm trên 39% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Các ngân hàng đã thực hiện thành công chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất tín dụng gần 450.000 tỷ đồng, giúp hàng chục ngàn doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh; luôn đi đầu trong vai trò dẫn dắt thị trường tiền tệ. Thể hiện được vai trò là lực lượng chủ lực để nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; góp phần quan trọng bình ổn giá cả thị trường, ngăn đà suy giảm và đưa nền kinh tế tăng trưởng khá cao so với khu vực và thế giới.

Việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cũng đạt được kết quả khả quan. Hầu hết các tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp thành viên đã chuyển sang công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Sau sắp xếp, phần lớn các doanh nghiệp lợi nhuận đều tăng, người lao động đủ việc làm, thu nhập cao hơn trước. Một số doanh nghiệp còn vươn lên, đủ sức đảm nhận các công trình, dự án trọng điểm quốc gia như: Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, cụm khí điện đạm Cà Mau, Phú Mỹ, thủy điện Sơn La, phóng vệ tinh Vinasat...

Thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, những thành tựu mà Đảng bộ đạt được trong những năm qua là rất trân trọng, nhưng tại đại hội này cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong khối. Cụ thể là chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn chưa cao và chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, sự quan tâm của Đảng và sự đầu tư của Nhà nước. Nhìn chung, năng suất lao động của khối doanh nghiệp nhà nước còn thấp, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa có nhiều thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế; chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, liên kết các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

  • Sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

Thủ tướng cho rằng, chất lượng công tác tư tưởng, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng còn hạn chế; việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở nhiều doanh nghiệp chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, rộng khắp trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, người lao động. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình nhìn chung còn thấp, tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu chưa cao. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng không phát hiện ngăn chặn kịp thời những sai phạm, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước của lãnh đạo doanh nghiệp. Đảng ủy khối chưa có nhiều đề xuất, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong tổ chức, hoạt động của tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng trong doanh nghiệp...

Sản xuất phân urê tại Nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất phân urê tại Nhà máy đạm Phú Mỹ. Ảnh: CAO THĂNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị đại hội cần thảo luận, phân tích kỹ về những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới; các cấp ủy và tổ chức Đảng trong khối cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; có giải pháp làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp.

“Kiên quyết sắp xếp, cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt, ngành nghề chính; chăm lo xây dựng, thu hút đội ngũ cán bộ quản lý giỏi; tăng cường hiệu quả, hiệu lực kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các sai phạm, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối; phân định rõ quyền sở hữu nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp; lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chủ động, đi đầu thực hiện các chương trình an sinh xã hội...” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục