Hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp để phát triển cánh đồng lớn

Ngày 2-5, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo” do Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn ĐBSCL, Trường Chính sách công - Phát triển nông thôn và UBND TP Cần Thơ tổ chức.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam; đại diện Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; các doanh nghiệp, tổ chức trong chuỗi ngành hàng lúa gạo khu vực ĐBSCL.

z5400447481970_57aaf747deb992383d502a073a612b7a.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ĐBSCL bao gồm các nhân tố liên kết trực tiếp và các nhân tố gián tiếp tác động thông qua chính sách, tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn... Các nhân tố liên kết trực tiếp gồm nông dân – hợp tác xã (HTX) – thương lái – doanh nghiệp (DN) – nhà phân phối/ tiêu thụ… Tổng sản lượng lúa hàng vụ do nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các kênh tiêu thụ gồm thương lái chiếm hơn 49%, HTX 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và DN chế biến xuất khẩu gạo hơn 6,5%. Trong khi đó, kênh tiêu thụ trực tiếp của HTX gồm DN chiếm gần 61%, nhà máy xay xát hơn 22% và thương lái chiếm hơn 16%.

10-11 Nông dân ĐBSCL bán lúa tươi cho thương lái tại ruộng.jpg
Thương lái mua lúa của nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên

Tại hội thảo, kỹ sư Võ Quốc Trung (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng) đã trình bày khá ấn tượng về các kết quả điều tra về vai trò của thương lái trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo. Theo đó, chưa ghi nhận nông dân liên hệ trực tiếp với DN, chủ yếu thông qua môi giới. Cụ thể, người trồng lúa có 3 kênh liên kết tiêu thụ gồm: Thông qua HTX nông nghiệp (chiếm 5-7%) và môi giới địa phương (90-93%), hai kênh này thông qua thương lái đến DN (kinh doanh chế biến lúa gạo) để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Kênh thứ 3 là kênh tiêu thụ “trực tiếp” (chiếm 1-2%) đến các DN/cơ sở dịch vụ (sấy, xay xát), nhưng kênh này cũng thông qua thương lái “mua lúa bán gạo” và chỉ tiêu thụ nội địa.

10-11 Nông dân Hậu Giang vui mừng bán lúa Thu Đông với giá cao cho thương lái.jpg
Thương lái đến tận ruộng mua lúa của nông dân Hậu Giang

Theo kỹ sư Võ Quốc Trung, trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, thương lái cung cấp thông tin đến môi giới trung gian về nhu cầu (giống lúa, số lượng, thời điểm và giá mua); khảo sát đồng ruộng khi nhận được phản hồi thông tin của môi giới. Trước thời điểm thu hoạch (10-15 ngày), thương lái thỏa thuận với nông dân thông qua giới thiệu của môi giới. Xác lập các thỏa thuận chi tiết (giá lúa, ngày thu hoạch, giờ bắt đầu vận hành máy gặt, địa điểm giao nhận, bốc xếp, hình thức thanh toán). Tiếp đó, thương lái điều chuyển phương tiện phù hợp đến địa điểm thỏa thuận giao nhận lúa. Giao nhận lúa ngay sau thu hoạch, thanh toán và khấu trừ tiền cọc với chủ hộ (bên bán).

“Thương lái là chiếc cầu nối, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ hiện nay, nếu không có thương lái thì 2,1 triệu tấn lúa của tỉnh không biết tiêu thụ vào đâu. Hiện cánh đồng lớn có nguy cơ phá vỡ, khi nông dân tranh thủ xuống giống, có tâm lý bán sớm khi giá lúa ở mức cao. Các doanh nghiệp cần tính đến duy trì hợp đồng ký kết với nông dân khi giá lúa tăng, hoặc giảm mỗi bên chịu 50% ở phần này. Cần hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp để phát triển cánh đồng lớn", kỹ sư Võ Quốc Trung nói.

lua.jpg
Quang cảnh hội thảo

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, đồng tình với ý kiến của kỹ sư Võ Quốc Trung, nhất là trong bối cảnh thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

TS Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, chuỗi lúa gạo ở ĐBSCL dài, có nhiều trung gian. Trong đó, thương lái (hay chủ vựa, cò…) là người “am hiểu thông tin” trong nghề. DN thích mua lúa qua thương lái vì giúp DN đỡ căng thẳng hơn về tiền vốn bỏ ra do không phải ứng tiền trước cho nông dân trong thời gian dài (2-3 tháng). Còn nông dân đơn lẻ thích bán cho thương lái vì “lấy tiền liền sau khi cân lúa”.

“Khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, giảm tình trạng bẻ kèo, nói không với những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả… Xây dựng sàn giao dịch để kết nối người mua-bán”, TS Trần Minh Hải kiến nghị.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), liên kết chuỗi giá trị lúa gạo đã có cải thiện, đa dạng mô hình hơn, nhiều mô hình bền vững hơn. Tuy nhiên, quy mô diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia liên kết còn ít. Quy mô liên kết của DN, HTX nhỏ; chưa nhiều HTX, DN thực hiện liên kết; nhiều liên kết thiếu bền vững: thay đổi đối tác, không thực hiện đúng hợp đồng...

Tin cùng chuyên mục