Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010: Vai trò của Đông Á ngày càng lớn

Hôm qua 6-6, tại TPHCM, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á 2010 diễn ra với sự tham dự của hơn 450 đại biểu, gồm lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực như Thủ tướng Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra còn có lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Tổng thư ký ASEAN, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lammy, Phó Tổng thư ký OECD, bộ trưởng một số nước cùng lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả, báo giới quốc tế và trong nước.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010: Vai trò của Đông Á ngày càng lớn

Hôm qua 6-6, tại TPHCM, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á 2010 diễn ra với sự tham dự của hơn 450 đại biểu, gồm lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực như Thủ tướng Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra còn có lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Tổng thư ký ASEAN, Tổng Giám đốc WTO Pascal Lammy, Phó Tổng thư ký OECD, bộ trưởng một số nước cùng lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả, báo giới quốc tế và trong nước.

Cần tận dụng thời cơ 

Tối 6-6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã mở tiệc chiêu đãi lãnh đạo các nước và các đại biểu tham dự Hội nghị WEF Đông Á 2010. Dự tiệc chiêu đãi có Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Mianma Thein Sein, Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Chí Trân, Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Cùng dự về phía nước chủ nhà có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và lãnh đạo TPHCM.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đông Á cần có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng. Bối cảnh quốc tế hậu khủng hoảng đòi hỏi nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên cho giai đoạn tới để tiếp tục phát triển mạnh, vững chắc.

Theo Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hunsen, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò rõ hơn và đóng góp nhiều hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Myanmar Thein Sein cho rằng, châu Á cần phải nâng cao sự hợp tác, trao đổi giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững.

Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Vương Chí Trân phân tích, khủng hoảng kinh tế thế giới tạo ra sự thay đổi lớn trên toàn cầu. Đông Á là khu vực năng động, tiềm năng nhất thế giới. Vai trò, ảnh hưởng châu Á liên tục tăng. 2 cuộc khủng hoảng vừa qua, khu vực này phản ứng tốt và là động cơ hồi phục kinh tế thế giới, nhiều nơi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng là cơ hội quan trọng trong hợp tác khu vực.

Theo Phó Thủ tướng Thái Lan Kiat Sitheeamorn, cơ hội cho khu vực này còn rất lớn và đa dạng, cần tận dụng thời cơ để trở thành khu vực năng động nhất trong tương lai của thế giới.

Chủ tịch WEF Klauf Schwab cho rằng, cần giải đáp cho được sự điều chỉnh mô hình phát triển cho khu vực này là gì trong giai đoạn hiện nay, nhất là mô hình dựa vào khu vực tư nhân. Về mối liên kết đa dạng hóa của khu vực, châu Á là mô hình thích hợp cho hợp tác khu vực, nhưng cũng gặp khó trong bối cảnh văn hóa đa dạng. Đông Á phải xem xét vai trò của mình khi có sự chuyển dịch từ Tây sang Đông trong giai đoạn hậu khủng hoảng của kinh tế thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch diễn đàn kinh tế thế giới Klauf Schwab. Ảnh: CAO THĂNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch diễn đàn kinh tế thế giới Klauf Schwab. Ảnh: CAO THĂNG

Thách thức Đông Á và 3 khó khăn của Việt Nam

Bất chấp sự khủng hoảng tài chính toàn cầu, vẫn có tới 53 tỷ USD vốn đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán tại các nước đang nổi lên trong năm 2009. Trong đó, Đông Á là những nước thụ hưởng nhiều nhất. Với việc giá chứng khoán và nhà đất đang tăng lên, làm thế nào để các nước châu Á chuyển sang triển khai hiệu quả các chính sách hậu khủng hoảng sau thời kỳ tập trung và các gói kích cầu trước đó mà vẫn đảm bảo không để xảy ra tình trạng bong bóng mới. Đó là vấn đề mà ông Fredric Neumann, Giám đốc Điều hành, đồng Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á, HSBC Hongkong đặt ra. Song ông cho rằng, dù lạc quan nhưng không quên đó là nhờ chính sách hỗ trợ mạnh của nhà nước.

Theo Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Naoyuki Shinohara, một trong những thách thức của khu vực này là làm thế nào để thiết kế tốc độ phát triển phù hợp và mở rộng quản lý kinh tế vĩ mô. Cần cải cách khu vực tài chính, biện pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Châu Á cần quan tâm đến khả năng thay đổi kinh tế vĩ mô và thay đổi dòng vốn lưu chuyển để kiểm soát và không để phát triển quá nóng. Đó thực sự là thách thức.

Với Việt Nam, theo ông Lâm Đơn, Giám đốc Điều hành, đồng sáng lập Tập đoàn Vina Capital Việt Nam, 3 thách thức lớn nhất của Việt Nam là: giá năng lượng và thực phẩm tăng làm tăng nguy cơ lạm phát; giữ tỷ giá và dòng vốn ngoại hối ổn định; và cuối cùng là vấn đề tài chính, vốn vay và lãi suất.

Hôm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tiếp tục diễn ra với các vấn đề về đối tác vì sự phát triển bền vững - năm của những “con hổ xanh”, những câu hỏi về liên kết, doanh nghiệp xanh và việc làm xanh ở châu Á…

Các đại biểu dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu dự phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á. Ảnh: VIỆT DŨNG

CÔNG PHIÊN – THỤY VŨ


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần nhìn xa trông rộng và hành động nhạy bén

(Trích phát biểu khai mạc Diễn đàn WEF của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Trước hết, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng quý vị đã đến dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam…

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm nay - “Nâng cao vai trò của châu Á”, là rất phù hợp với bối cảnh hiện tại của khu vực chúng ta. Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống thế giới, nhưng cũng làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn.

Ở Đông Á, các nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á, chứng tỏ ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp các nước trong khu vực. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới...

Một điều hết sức tích cực là trong bối cảnh khủng hoảng vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hợp tác khu vực ở Đông Á có xu hướng được đẩy mạnh, thông qua nhiều cơ chế như: ASEAN+3, ASEAN+1, cấp cao Đông Á, các cơ chế hợp tác tiểu vùng, các tam - tứ giác phát triển và các hiệp định mậu dịch tự do đa phương hoặc song phương. ASEAN đã luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm, vị thế chủ đạo, đóng góp hiệu quả đối với tiến trình xây dựng thể chế khu vực ở Đông Á và các thể chế liên khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Mặc dù vậy, cũng cần phải thấy rằng các nền kinh tế Đông Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bao gồm các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... Với đặc điểm nổi bật là hướng ngoại, kinh tế Đông Á cũng dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế toàn cầu. Điều đó, đòi hỏi từng nền kinh tế Đông Á cần tăng cường chất lượng quản trị, đổi mới mô hình phát triển để tăng trưởng nhanh, cân bằng và bền vững, mặt khác phải dành nhiều ưu tiên hơn và tham gia nhiều hơn nữa trong hợp tác quốc tế để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Nói cách khác, Đông Á cần phải có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Sau 25 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bình quân 7-8%/năm trong nhiều năm; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; chính trị xã hội ổn định. Chúng tôi đã đối phó có hiệu quả với các tác động tiêu cực của khủng hoảng; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao: 5,32% (2009) và dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5% đến 7% trong năm 2010. Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã có được một nền kinh tế thị trường năng động với nhiều tiềm năng phát triển to lớn và đầy hứa hẹn. 

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để hoàn thành được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục đường lối đổi mới một cách nhất quán, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy và sử dụng hiệu quả nhất mọi nguồn lực, cả trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững.

Bước vào thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, vận hội mới thực sự đã tới với Đông Á, và đây là lúc Đông Á có thể tự tin gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Chúng tôi hiểu rằng, để có thể có một vai trò lãnh đạo quan trọng và xứng đáng hơn trong hệ thống chính trị - kinh tế toàn cầu, mỗi thành viên của cộng đồng Đông Á cần nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của mình, với tầm nhìn xa trông rộng và hành động nhạy bén, trước hết là ở tầm quốc gia và khu vực. Chúng ta đã có những bước tiến quan trọng, nhưng con đường phía trước còn dài và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới, sự sáng tạo và tư duy đột phá. Chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực.

>> Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á

4 ưu tiên trong hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Campuchia Sam dech Hun Sen, Thủ tướng Myanmar Thein Sein và Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã tham dự phiên làm việc với chủ đề “Hợp tác trong tiểu vùng Mekong”.

Các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội Sông Mekong trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mekong.

Để tiểu vùng Mekong phát triển nhanh và bền vững, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần tập trung vào 4 ưu tiên hàng đầu như: củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài; nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mekong, bảo vệ môi trường sinh thái và tiến tới xây dựng một Mekong phát triển xanh; các nước trong tiểu vùng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công - tư (PPP), đặc biệt cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển đô thị, đầu tư và thương mại; cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước…

*****

Hợp tác chống tham nhũng

Ông Richard Danziger, Hội đồng chống gian lận thương mại toàn cầu: Tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện chiếm 5% GDP toàn cầu, tiêu hao lợi nhuận 10% của các doanh nghiệp châu Á, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào chính phủ. Đã có nhiều chương trình hợp tác chống tham nhũng trên toàn cầu. Trong thời điểm phục hồi kinh tế hiện nay, nâng cao giá trị đạo đức để chống tham nhũng càng trở nên cấp bách hơn.

Ông Richard Boucher, Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD): Ngoài việc gia tăng hình phạt với tội danh tham nhũng, gian lận thương mại, cần xây dựng một hệ thống ngăn chặn tham nhũng hiệu quả thông qua các quy định của từng chính phủ và tăng cường hợp tác, trao đổi các kinh nghiệm chống tham nhũng. Vấn đề ở chỗ hợp tác phải có hiệu quả. Ngoài ra chính phủ và các doanh nghiệp cũng phải tích cực hợp tác để chống tham nhũng. Hiện OECD đã có chương trình chống tham nhũng với sự tham gia của 38 nước.

Thông tin liên quan

- Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á: Tăng trưởng bền vững - thách thức lớn

- Việt Nam đăng cai Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á

- 450 đại biểu dự Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á tại TPHCM

- TPHCM sẽ tổ chức tốt Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á 2010

Tin cùng chuyên mục