Hệ thống phân phối tại TPHCM: Ưu tiên bán hàng trong nước

A.Dũng
Hệ thống phân phối tại TPHCM: Ưu tiên bán hàng trong nước

Liên tục trong những ngày gần đây, vấn đề chất lượng hàng thực phẩm ngoại nhập đã trở thành đề tài nóng của giới truyền thông cũng như dư luận. Trước tình hình này, một số hệ thống siêu thị lên tiếng sẽ chỉ kinh doanh các mặt hàng được sản xuất, chăn nuôi trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cách đây 2 năm Vissan đã được một số nhà nhập khẩu chào bán mặt hàng gà dai của Hàn Quốc, nhưng do công ty không biết rõ địa chỉ mặt hàng này xuất phát từ địa danh nào của Hàn Quốc, cộng với nhu cầu tiêu dùng trong nước thích sử dụng loại gà tươi sống nên Vissan không nhận.

Tuy nhiên, là doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh thực phẩm, có trong tay hệ thống phân phối với gần 90 cửa hàng, nhận thấy giá bán mặt hàng này khá rẻ nên công ty cũng mạnh dạn lấy thử một lô hàng để kiểm nghiệm. Kết quả khiến công ty không yên tâm về chất lượng nên Vissan đã kiên quyết từ chối. Theo ông Mười, việc từ chối đối với mặt hàng này cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ mất đi một khoản lợi nhuận khá lớn, nhưng nếu kinh doanh tức là DN đang lừa dối người tiêu dùng!

* Ông Nguyễn Thành Nhân cho biết đối với mặt hàng trái cây, Saigon Co.op thực hiện chủ trương không kinh doanh trái cây Trung Quốc. Hiện tỷ lệ trái cây nội địa bày bán tại Co.opMart duy trì ở mức 90%, còn lại 10% là trái cây nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Chile, Nam Phi với xuất xứ rõ ràng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc hệ thống siêu thị Co.opMart cho rằng, Saigon Co.op cũng được một số nhà nhập khẩu chào hàng từ lâu rồi, nhưng đơn vị này kiên quyết không nhận hàng. Để từ chối những đơn hàng, đặc biệt mặt hàng thịt gia cầm, hệ thống Co.opMart phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận cũng như người tiêu dùng. Họ thắc mắc, giá bán một con gà quay của Co.opMart luôn cao hơn so với sản phẩm cùng loại tại một số hệ thống siêu thị khác hoặc Co.opMart không có những mặt hàng thực phẩm giá cực rẻ…

Theo ông Nhân, chiến lược kinh doanh của Saigon Co.op trong thời gian gần đây, không kinh doanh thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, cho dù sản phẩm đó được nhập khẩu chính ngạch hoặc đạt chất lượng. Nguyên nhân, nguồn hàng trong nước đang rất dồi dào, phong phú, giá bán cũng rất cạnh tranh. Mặt khác, việc tổ chức phân phối hàng trong nước sẽ góp phần ổn định cung cầu, thực hiện tốt hơn chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nguồn thịt gà hiện được Co.opMart thu mua là từ các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống uy tín trên thị trường và các trang trại nuôi gia súc trong nước đạt tiêu chuẩn HACCP như Công ty Thực phẩm Đồng Nai, Công ty Bình Minh, Công ty Phạm Tôn, Công ty San Hà…

Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết đến thời điểm này sở chưa nhận được văn bản chính thức của các cơ quan chức năng về nguồn hàng cũng như chất lượng đối với mặt hàng thịt gà nhập khẩu từ Hàn Quốc. Hiện sở mới chỉ nắm bắt thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sở đã mời một số hệ thống siêu thị lên làm việc.

Tại đây, Big C cho biết đã ngưng kinh doanh mặt hàng này từ ngày 4-10. Riêng hệ thống siêu thị Maximark đã được một số nhà nhập khẩu chào hàng nhưng khi thông tin về chất lượng nguồn hàng có vấn đề, siêu thị này đã từ chối…

Gà nhập lậu vào chợ Hà Vỹ (Hà Nội) vừa không đảm bảo chất lượng vừa khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Phúc

Gà nhập lậu vào chợ Hà Vỹ (Hà Nội) vừa không đảm bảo chất lượng vừa khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Phúc

Theo bà Lê Ngọc Đào, trong tình hình nguồn cung nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu rất dồi dào, phong phú trong khi sức mua không tăng, sở cũng khuyến khích các siêu thị tăng cường bán các loại thịt gia cầm từ những DN chăn nuôi trong nước, giảm kinh doanh những mặt hàng ngoại nhập.

Trường hợp hệ thống siêu thị Big C đã tham gia kinh doanh các nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong chương trình bình ổn giá, sở cũng vận động đơn vị này nên tăng cường bán thịt gia cầm của các DN bình ổn như San Hà, Phạm Tôn… Đối với các chợ, Sở Công thương cũng đang xây dựng kế hoạch vận động, khuyến khích tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng.

Tiến tới xây dựng chợ truyền thống theo mô hình văn minh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thúy Hải

Buông lỏng quản lý ATVSTP

Số liệu mới nhất do Cục ATVSTP công bố, chỉ trong quý 3 năm nay, cả nước đã xảy ra 67 vụ ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc với gần 2.300 người mắc bệnh, hơn 2.200 người phải đi viện và 15 tử vong. Thực trạng này khiến người dân không khỏi bức xúc, hoang mang lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của bản thân khi chuyện ăn uống hàng ngày không bảo đảm an toàn.

Bức xúc hơn khi không chỉ nhiều đối tượng, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định về ATVSTP mà ngay cả trách nhiệm của các ngành, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cũng lỏng lẻo và yếu kém trong quản lý lĩnh vực nhạy cảm này, như việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP, mở tờ khai hải quan và việc kiểm tra, kiểm soát thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu. Nước ta còn thiếu các quy định, quy chuẩn về điều kiện ATVSTP cũng như dinh dưỡng đối với không ít loại thực phẩm.

Về phía chính quyền và các cơ quan chức năng nhiều địa phương cũng chưa làm tròn trách nhiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp, cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Chính những lỗ hổng trên, cùng với không ít tiêu cực trong công tác quản lý về ATVSTP đang biến thị trường thực phẩm nước ta dần trở thành… bãi rác thực phẩm của nhiều quốc gia trên thế giới.

N.Quốc

Tin cùng chuyên mục