Hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững - Cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có hơn 17.000 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, cao hơn cả số DN đăng ký thành lập mới. Đã vậy, tình hình sản xuất kinh doanh vô cùng ảm đạm, chỉ có 26% số lượng DN kê khai thuế “dương”… Đó là con số do ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM báo cáo với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM tại buổi khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP vào ngày 1-11. Vấn đề đặt ra vì sao có nhiều chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua nhưng DN vẫn chưa hồi phục sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững - Cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có hơn 17.000 doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, cao hơn cả số DN đăng ký thành lập mới. Đã vậy, tình hình sản xuất kinh doanh vô cùng ảm đạm, chỉ có 26% số lượng DN kê khai thuế “dương”… Đó là con số do ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM báo cáo với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM tại buổi khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP vào ngày 1-11. Vấn đề đặt ra vì sao có nhiều chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua nhưng DN vẫn chưa hồi phục sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững - Cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi ảnh 1

Sản xuất động cơ điện tại Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn.
Ảnh: Diễm Thy

Cứu sống DN trước

Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, 10 tháng đầu năm TPHCM đã miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN với tổng số tiền 3.779 tỷ đồng. Nhìn con số lên gần 4.000 tỷ đồng như thế nhưng thực tế số thuế “miễn và giảm” chỉ khoảng 1.100 tỷ đồng, số còn lại là gia hạn (sẽ phải nộp sau). Lĩnh vực được gia hạn chủ yếu là thuế giá trị gia tăng và thời gian gia hạn cũng chỉ được 6 tháng.

Hoạt động hỗ trợ DN ở một số lĩnh vực khác cũng thế, chỉ mang tính hình thức. Chẳng hạn như việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tính đến thời điểm này chỉ mới giải quyết được 2 hồ sơ (167 tỷ đồng), trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm!

Trong khi đó, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của DN lâm vào cảnh bi đát khi số DN ngưng nghỉ trong 10 tháng đầu năm lên trên 17.000 DN. Số DN thành lập mới thì sụt giảm, chỉ khoảng 16.000 DN (cùng kỳ năm ngoái là trên 20.000 DN). Đã vậy, theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, hiện nay chỉ có 24.000 DN đang hoạt động khai có lãi, chiếm 26% tổng số DN.

Ước tính, trong năm 2012 số DN khai thuế “dương” khoảng trên dưới 30%, trong khi đó các năm trước số DN có lãi đạt khoảng 50%. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong năm nay.
 
Vấn đề  các đại biểu quan tâm thảo luận là làm sao tháo gỡ khó khăn cho DN, giải quyết hàng tồn kho. Các đại biểu cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa đủ mạnh để giúp DN sống dậy, việc đầu tiên là phải tìm cách cứu DN sống trước đã. Sau khi “sống” được thì DN mới cần đến chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế…

Gỡ khó từ các quy định

“Để thu đạt chỉ tiêu ngân sách trong điều kiện hiên nay là rất khó”, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn nói. Số thu 10 tháng đầu năm chỉ được 117.400 tỷ đồng, đạt chưa đầy 80% dự toán pháp lệnh năm. Để đạt chỉ tiêu, việc đầu tiên là phải hỗ trợ  cho DN làm ăn có lãi, nền kinh tế mạnh thì mới thu ngân sách một cách bền vững.
 
Các đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ DN không chỉ bằng cách miễn, giảm, giãn thuế mà cần phải tháo gỡ khó khăn, rào cản từ các quy định pháp luật. Do vậy, cơ quan thuế cần phải phân loại theo ngành nghề DN, những khó khăn cụ thể… để có chính sách phù hợp. Câu chuyện các đại biểu ngán ngẩm nhất chính là độc quyền quản lý vàng. Chính sách quản lý không phù hợp, không chỉ ảnh hưởng đến các DN mà còn làm cho ngành thuế TP mất một khoản thu khá lớn.
 
Tương tự, “Nghị định 69/NĐ-CP từ khi ra đời đến nay đã trở thành rào cản mọi thứ. DN nhà nước không tiến hành cổ phần hóa được, nhà nước không thu được thuế và nó còn là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản đóng băng…”, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM nói. Riêng quy định thu tiền sử dụng đất tính “theo giá thị trường trong điều kiện bình thường” là quy định không có khả năng áp dụng.

Như thế nào là “giá thị trường”, đến giờ vẫn còn tranh cãi. Ví dụ, một mét vuông đất trên đường Đồng Khởi (quận 1) được rao bán trên thị trường với giá 1 tỷ đồng, trong khi đó theo khung giá đất của UBND TPHCM thì chỉ 80 triệu đồng, chênh lệch như thế tính theo giá nào, cơ sở ở đâu.

Quy định về tính thuế sử dụng đất ở Phú Mỹ Hưng lâu nay “nóng” là vì các quy định trái nhau. “Theo quy định thì tính thuế theo khung giá đất của UBND TPHCM tại thời điểm làm hợp đồng. Trong khi đó, theo pháp luật là phải thu tại thời điểm giao đất…”- ông Nguyễn Đình Tấn nói. Đó là lý do hiện nay có nhiều người chưa đồng tình nộp thuế, vướng mắc này đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, thời gian tới, ngành chức năng cần sớm đề xuất xử lý, thay đổi, bãi bỏ các quy định không phù hợp, giúp DN phát triển.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục