Mở nhiều kênh tiêu thụ hàng công nghiệp

Theo các bộ, ngành, hàng tồn kho đang ngày càng giảm dần theo từng tháng, quý của năm. Điều này đã cho thấy bức tranh kinh tế nước ta đang có những chuyển biến nhất định, nhưng đằng sau vẫn còn những nỗi lo.
Mở nhiều kênh tiêu thụ hàng công nghiệp

Theo các bộ, ngành, hàng tồn kho đang ngày càng giảm dần theo từng tháng, quý của năm. Điều này đã cho thấy bức tranh kinh tế nước ta đang có những chuyển biến nhất định, nhưng đằng sau vẫn còn những nỗi lo.

  • Hàng tồn kho giảm

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 1-10, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 20,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng thì chỉ số này đã giảm 0,1 điểm % so với 8 tháng. Chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần qua các tháng, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn tiêu thụ sản phẩm.

Một số ngành đã điều tiết sản xuất nên lượng tồn kho giảm mạnh so với tháng trước như: sản xuất đường giảm 38,4%; sản xuất thiết bị truyền thông giảm 73,2%; sản xuất điện tử dân dụng giảm 14,2%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 11,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 23,5%...

Hàng hóa dồi dào, nhiều siêu thị ở TPHCM đẩy mạnh khuyến mãi, giải phóng hàng hóa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hàng hóa dồi dào, nhiều siêu thị ở TPHCM đẩy mạnh khuyến mãi, giải phóng hàng hóa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, chỉ số hàng tồn kho của cả nước ở lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo vào thời điểm 1-6 là 34,9%. Đến 1-10, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo giảm xuống còn 20,3%.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, bộ đã làm việc với các hiệp hội, địa phương tập hợp hơn 100 kiến nghị khó khăn cần tháo gỡ. Đến nay hàng tồn kho đã giảm, còn hàng tồn kho đáng lo ngại nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Riêng về giải quyết hàng tồn kho nhiều như thép, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cơ quan này đã làm việc với Hiệp hội thép, Tổng công ty thép Việt Nam để điều chỉnh lại mức sản xuất cho phù hợp. Bên cạnh đó đã làm việc với Bộ Tài chính để xem xét lại nhằm có thể điều chỉnh thuế nhập khẩu cao hơn mức trần đang thực hiện theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới. Nếu tăng thuế này lên cùng với việc ngừng điều chỉnh sản xuất hợp lý, cộng với thắt chặt kiểm soát nhập khẩu, thì từng bước có thể giải quyết được tồn kho thép.

  • Kích hoạt thị trường bất động sản

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, với dư nợ bất động sản khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng thì việc tháo gỡ tồn kho trong lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng. Giải pháp để khắc phục tồn kho là tập trung để kiểm soát các dự án mới đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh để tăng tổng đầu tư xã hội, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng; kích hoạt thị trường bất động sản bằng việc phát triển nhà ở xã hội để tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước, không phải vật liệu cao cấp của nước ngoài, giảm tồn kho.

“Nếu chúng ta tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng cách hướng doanh nghiệp bất động sản vào nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp sẽ đạt được nhiều mục đích như: tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người hiện nay đang khó khăn về nhà ở, dẫn đến giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. Vấn đề nữa là phải dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là dùng xi măng trong các công trình giao thông.

Hiện nay Bộ GTVT, Bộ Xây dựng quyết liệt điều chỉnh các dự án, đưa xi măng vào, sẽ giảm được nhập siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng, cần tập trung kiểm soát các dự án mới đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn chung cho sản xuất kinh doanh nhằm tăng tổng đầu tư xã hội, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng. 

HÀ MY

TPHCM: Hàng tồn kho giảm dần

Theo Sở Công thương TPHCM, tháng 10-2012, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với tháng 10-2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến (lĩnh vực chủ yếu của công nghiệp TP) tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 7,5% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng, sản xuất công nghiệp TP tăng 4,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%); trong đó, công nghiệp chế biến tăng 4,1%.

Trong 57 ngành sản xuất, có 32 ngành tăng so với cùng kỳ gồm: chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (+13%); in (+12,5%); sản xuất bia và mạch nha (+11,2%); sản xuất linh kiện điện tử (+9,7%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (+8%),… Các ngành sản xuất giảm so cùng kỳ là sản xuất xe có động cơ (-14,8%); xi măng, vôi, thạch cao (-6%); thuốc lá (-4,9%); giày, dép (-4,2%),… Theo đó, lượng hàng tồn kho đang trên đà giảm nhưng vẫn còn cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm tháng 10-2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,3% so với cùng kỳ (chỉ số này của tháng 8 là 21%, tháng 9 là 20,89%).

TH.H.

Tin cùng chuyên mục