Khai mạc hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM”

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn

Sáng 21-12, tại Hội trường TPHCM, Báo SGGP phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) tổ chức Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TPHCM và ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP đồng chủ trì hội thảo.
Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn

(SGGPO).- Sáng 21-12, tại Hội trường TPHCM, Báo SGGP phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) tổ chức Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TPHCM”. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TPHCM và ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự còn có đại diện các sở, ngành trên địa bàn TPHCM, các chuyên gia kinh tế, tài chính, đông đảo các doanh nghiệp, chi nhánh Agribank trên địa bàn.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP nêu rõ: Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Bởi thực tế cho thấy, để đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nước ta phải lấy nông dân làm trung tâm, xây dựng nông thôn vững chắc mới tại nền tảng ổn định xã hội để phát triển. Với vai trò là cơ quan của Đảng và là tiếng nói của tầng lớp nhân dân, báo SGGP đã chuyển tải nhiều bức xúc của nông dân, các kiến nghị của các chuyên gia, tuyên truyền các mô hình làm ăn hiệu quả trong lĩnh vực này; đã đồng hành, sát cánh cùng với các ngành các cấp, các cơ quan chức năng và đồng nghiệp tuyên truyền, phổ biến chính sách, phản biên và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân, với mong muốn góp sức mình xây dựng nền nông nghiệp vững chắc, bộ mặt nông thôn mới. Đây cũng là mục tiêu của cuộc hội thảo này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu bật vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển của TPHCM. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động xấu, gặp nhiều khó khăn, song lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đóng góp lớn về xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc ổn định xã hội, tăng sức mua nền kinh tế.

Đây là thành tựu nổi bật trong suốt chặng đường đổi mới 25 năm qua, đã phản ánh tính đúng đắn các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Riêng tại TPHCM, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã triển khai và thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nền tảng là chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn thành phố, phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao; phát triển làng nghề du lịch; xây dựng mô hình nông thôn mới… với nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo đó, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng nhanh, đến nay đạt 16.585 tỷ đồng, trong đó, cho vay sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp 3.696 tỷ đồng; cho vay chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối 8.041 tỷ đồng; cho vay phát triển ngành nghề nông thôn đạt 112 tỷ đồng. Thông qua các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn đã thúc đẩy, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển bền vững.

Theo bà Hồng, mặc dù tỷ trọng đóng góp cho GDP thành phố ở mức độ thấp so với các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, song sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của thành phố những năm qua đã góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện tốt chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình kinh tế của thành phố theo Nghị quyết lần thứ IX của Đảng bộ thành phố. Sự phát triển các ngành nghề sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn không chỉ thúc đẩy kinh tế khu vực này tăng trưởng ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, mà còn đảm bảo an sinh xã hội, tạo thu nhập và việc làm, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi…

Tại hội thảo, Agribank đã cam kết đồng hành cùng nông dân bằng việc ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các chi nhánh Agribank với các doanh nghiệp, hiệp hội; hỗ trợ 30 tỷ đồng năm 2013 trong việc xây dựng các công trình, triển khai các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để cung ứng vốn nhiều hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Riêng Agribank và các ngân hàng trên địa bàn sẽ tháo gỡ cơ chế ra sao để tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay phát triển hạ tầng nông thôn; cho vay đầu tư mở rộng sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất khu vực này là vấn đề đang đặt ra cấp bách.

Theo TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agibank, nhận thức vị trí quan trọng, tiềm năng to lớn của TPHCM, trong nhiều năm qua, Agribank đã tập trung nguồn lực đầu tư và có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội TPHCM nói chung, và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Tại TPHCM, đến 30-11-2012, Agribank có 180 điểm giao dịch các lọai với 4.013 cán bộ nhân viên. Hiện tại Agribank chiếm khoảng 11% về thị phần mạng lưới các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Với hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch rộng khắp của mình, Agribank hiện là ngân hàng duy nhất có khả năng tiếp cận đến tất cả các huyện, xã trên địa bàn thành phố, đặc bịêt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn khó khăn như củ chi, cần giờ. Tại Cần Giờ, Agribank gần như là ngân hàng duy nhất cung cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho bà con nông dân và dân cư trên địa bàn.

Với thị phần chiếm khoảng 9% vốn tín dụng của cả địa bàn, Agribank đầu tư tín dụng cho khu vực TPHCM đạt 71.191 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 28.854 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,5% tổng dư nợ. Các chi nhánh huyện ngoại thành tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn bình quân đạt trên 50%. Nhiều chi nhánh ngọai thành có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao như: Cần Giờ (99%), Củ Chi (65%), Phước Kiển (66%),…

Để góp phần vào sự nghiệp phát triển NNNT trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị cấp ủy, chính quyền TPHCM chỉ đạo các ngành có liên quan tổ chức đánh giá quá trình triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo nghị định số 41/2010/NĐ-CP, quyết định số 63/2010/QĐ-TTG về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó có những đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

TPHCM cần có cơ chế khuyến khích khu vực NNNT phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực; nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và phương thức sản xuất, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hóa nông sản lớn; đầu tư phát triển cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch, hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…

M.TRƯỜNG- H.NHUNG

Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp nông thôn ảnh 1

>>Đẩy mạnh tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn TPHCM

Tin cùng chuyên mục