Nông dân khó tiếp cận vốn ưu đãi

Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 15-10-2010, sau được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 65/2011/QĐ-TTg vào ngày 2-12-2011 (QĐ 63) là chính sách tín dụng được người dân kỳ vọng là đòn bẩy để giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, vẫn chưa có nông dân nào trên địa bàn Quảng Ngãi được tiếp cận các nguồn vốn vay.
Nông dân khó tiếp cận vốn ưu đãi

Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 15-10-2010, sau được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 65/2011/QĐ-TTg vào ngày 2-12-2011 (QĐ 63) là chính sách tín dụng được người dân kỳ vọng là đòn bẩy để giảm tổn thất sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, vẫn chưa có nông dân nào trên địa bàn Quảng Ngãi được tiếp cận các nguồn vốn vay.

  • Nghèo còn gặp eo

Bước vào vụ nuôi tôm năm nay, ông Trần Cao Viên, thôn Đạm Thủy Bắc, Đức Minh (huyện Mộ Đức) dù đang bí vốn đầu tư nhưng vẫn quyết định mua máy sục khí của Nhật Bản với giá gần 50 triệu đồng. Theo ông Viên, chi phí cho mỗi vụ tôm không dưới 300 triệu đồng. Tôm thẻ chân trắng là loài thủy sản rất nhạy cảm với môi trường, do đó ông không thể mạo hiểm với máy móc sản xuất trong nước.

Nông dân khó tiếp cận vốn ưu đãi ảnh 1

Do khó tiếp cận với nguồn vốn vay nên việc chọn máy sản xuất nông nghiệp nhập ngoại vẫn là ưu tiên của nông dân miền Trung. Ảnh: HÀ MINH

Ông Viên phân trần: “Tôi sợ máy nội lắm, đang hoạt động mà nó trở chứng, “treo” vài ngày là coi như toi cả vụ tôm nên phải sử dụng máy ngoại cho an toàn”. Để mua máy ngoại, ông Viên phải chịu vay vốn với lãi suất gần 12%/năm theo các gói tín dụng thông thường của ngân hàng vì loại máy ông mua không nằm trong danh mục ưu đãi để vay vốn theo QĐ 63. Ông Viên nhẩm tính, nếu máy sục khí được sản xuất trong nước thì ông đã được hưởng chế độ vay ưu đãi tới 70% trị giá máy và miễn lãi suất trong 2 năm. Không riêng gì ông Viên, hầu hết người nuôi tôm tại các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đều phải sử dụng các loại thiết bị nhập ngoại.

Tương tự, việc mua sắm máy gặt đập liên hợp của nông dân cũng khó được hưởng các hỗ trợ về tín dụng. Ông Võ Tấn Đại, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bình Dương (huyện Bình Sơn), cho biết: “Vừa qua, khi trang bị máy làm đất cho xã viên, Ban Chủ nhiệm HTX cũng đã tính đến việc vay vốn ưu đãi theo QĐ 63. Thế nhưng, sau khi so sánh giá cả, hiệu quả làm đất, cũng như tính phù hợp với đồng ruộng xã Bình Dương, chúng tôi quyết định... thôi.

Hiện nay, có 3 xã viên của HTX đã mua máy làm đất đều do Nhật Bản sản xuất”. Ông Đại cho biết thêm, vì không được hỗ trợ vốn nên xã viên của HTX đành vay vốn từ nguồn tín dụng của HTX. “Số vốn vay từ HTX không nhiều bằng nguồn hỗ trợ theo QĐ 63, nhưng thủ tục vay của HTX thoáng hơn. “Không phải nông dân không muốn mua máy nội địa đâu. Chỉ vì chưa ai thấy rõ máy móc theo danh mục của Bộ NN-PTNT chất lượng ra sao, nên chẳng ai dám mạo hiểm” - ông Đại nói.

Theo danh sách các cá nhân, tổ chức bán máy móc, thiết bị được Bộ NN-PTNT “đính kèm” QĐ 63, hầu hết trong số đó đều đóng trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam bộ, TPHCM hay Hà Nội, chứ chưa có tại Quảng Ngãi. Anh Huỳnh Công Lâm (thôn Phước Đức, Đức Phú, Mộ Đức) cho biết: “Nếu mua một chiếc máy cày đáp ứng điều kiện vay vốn theo QĐ 63 thì tôi phải vào tận Tiền Giang. Máy đem về sử dụng nếu có hỏng hóc, thay thế phụ tùng lại phải lặn lội vào đó. Tính ra chi phí để mua một chiếc máy cày nội địa không chênh lệch nhiều so với máy nhập ngoại. Vì vậy, tôi chỉ mua máy ở các cửa hàng trong tỉnh, vừa được bảo hành, lại có phụ tùng thay thế”.

  • Chính sách phải hợp lý

Theo ông Bùi Tấn Quốc (thôn Đạm Thủy Bắc, Đức Minh, Mộ Đức): “Danh sách máy móc được Bộ NN-PTNT quy định đều là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, các loại máy này dường như chỉ phù hợp với tập quán canh tác của người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ, còn với đặc thù đồng ruộng, ao hồ nuôi trồng thủy sản của Quảng Ngãi thì chưa phù hợp. Khi mà công tác dồn điền đổi thửa, mở rộng ao hồ ở tỉnh còn nhiều bất cập thì máy móc theo quy định chỉ làm khó nông dân. 

Ông Ngô Văn Thanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộ Đức, cho biết: “Với thế mạnh là phát triển cây lúa và nuôi trồng thủy sản, nhưng chẳng có nông dân nào trong huyện có thể vay vốn để mua máy móc theo QĐ 63. Những năm qua, lực lượng lao động trên địa bàn huyện ngày càng thiếu hụt, do đó người dân chỉ muốn mua máy cày, máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản, vì nó vừa nhanh, vừa bền. Hiện nông dân rất cần vốn để trang bị máy móc, nhưng với những ràng buộc bất hợp lý như danh mục ban hành thì không biết đến bao giờ nông dân mới có thể tiếp cận được khoản tín dụng ưu đãi này”.

Trong khi đó, ông Đinh Duy Sung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho rằng: Mục tiêu của QĐ 63 là cơ giới hóa nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Thế nhưng, vì những quy định chưa phù hợp với thực tế nên chính sách không thể đi vào cuộc sống. Theo tôi, chính sách cần bắt nguồn từ thực tiễn. Thay vì những ràng buộc về thủ tục hành chính, những quy định về tỷ lệ nội địa hay nhập ngoại, thì Nhà nước cần tạo điều kiện cho nông dân và trao quyền quyết định cho họ. Có như vậy mới đạt được mục tiêu giúp nông dân ổn định sản xuất và phát triển ngành nông nghiệp. Sắp tới đây, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp trong nước đưa máy móc, thiết bị nông nghiệp về Quảng Ngãi bày bán, giúp nông dân có nhiều sự lựa chọn về nông ngư cụ hơn. Đồng thời, hội sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điều trong QĐ 63.

Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân, với QĐ 63, những người hoạch định chính sách hy vọng sẽ khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí nội địa. Kinh nghiệm từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến cho thấy, muốn nông nghiệp phát triển luôn cần ngành cơ khí chế tạo máy hiện đại.

HÀ MINH

Theo QĐ 63, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% lãi suất trong năm thứ ba khi vay vốn ưu đãi mua máy móc có tỷ lệ nội địa từ 60% trở lên (theo danh mục do Bộ NN-PTNT) quy định).

Đại diện Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế cho rằng để tiếp cận được nguồn vốn vay và hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị giảm thất thoát sau thu hoạch đang là vấn đề khó khăn cho người nông dân. Bởi khi có nhu cầu đầu tư mua máy nông cụ, đa số người dân chuộng máy có xuất xứ nước ngoài vì có chất lượng tốt, bền dù giá khá cao. Còn theo quy định thì phải mua máy móc 60% tỷ lệ nội địa mới được hỗ trợ vốn. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện cơ giới hóa theo chủ trương của Chính phủ.

Trong khi đó, theo một cán bộ tín dụng của Agribank Thừa Thiên – Huế, vướng mắc  nữa là không phải cán bộ ngân hàng nào cũng am hiểu về cơ khí máy móc để thẩm định, máy đó có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ nội địa hóa nên cũng khó khi cho vay vốn.

H. MINH - V. THẮNG

Tin cùng chuyên mục