Dệt may tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU

Việt Nam (VN) đã là 1 trong nhóm 5 nhà xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn nhất thế giới. Thế nhưng, dệt may, ngành hàng chủ lực của VN XK vào EU vẫn còn rất khiêm tốn. Dệt may VN chưa ở trong tốp 10 nước cung ứng hàng may mặc vào EU - thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới với trên 250 tỷ USD/năm.
Dệt may tìm chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU

Việt Nam (VN) đã là 1 trong nhóm 5 nhà xuất khẩu (XK) hàng dệt may lớn nhất thế giới. Thế nhưng, dệt may, ngành hàng chủ lực của VN XK vào EU vẫn còn rất khiêm tốn. Dệt may VN chưa ở trong tốp 10 nước cung ứng hàng may mặc vào EU - thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới với trên 250 tỷ USD/năm.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU tại Công ty cổ phần SXTM dệt may Sài Gòn.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang EU tại Công ty cổ phần SXTM dệt may Sài Gòn.

EU: Nhu cầu mua sắm cao

EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của VN với tổng kim ngạch XK vào EU năm 2012 đạt 20,3 tỷ USD. Dù EU là thị trường XK dệt may lớn thứ 2 của VN sau Mỹ với trên 2,6 tỷ USD trong năm 2012 nhưng tại thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới này, dệt may vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc. Đang tham gia các dự án hỗ trợ dệt may tại VN, bà Dhyana Van der Pols, chuyên gia tư vấn dệt may của Tổ chức Xúc tiến XK từ các nước đang phát triển sang EU (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, chỉ ra những điểm mạnh và yếu để DN dệt may VN, từ đây có thể tìm thấy chìa khóa mở rộng cửa XK vào EU hơn. Đặc biệt, khi VN đang đứng trước cơ hội rất lớn từ FTA VN - EU đang đàm phán, có thể được ký kết vào năm 2014.

EU có 27 nước, với trên 500 triệu dân nhưng là thị trường chịu chi cho mua sắm hàng may mặc, chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu. Theo đánh giá, chi phí đầu người mua sắm hàng may mặc ở EU rất cao, đặc biệt là ở các nước Bắc Âu, Anh, Pháp... Hiện nay, Đức dẫn đầu EU về thị phần tiêu thụ hàng dệt may trong khối với 18,5%, Ý chiếm 17,4%, Anh 16%, Pháp 12,7%, Tây Ban Nha 6,2%... EU là thị trường có sự đa dạng trong tiêu thụ sản phẩm dệt may. Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu có suy nghĩ quốc gia nào có dân số đông sẽ tiêu thụ mạnh hàng may mặc! So với các thị trường tiêu thụ khác, EU có sự phân tán trên nhiều quốc gia nên XK vào EU sẽ có áp lực hơn. Nhu cầu tiêu dùng từng dòng sản phẩm nam, nữ, trẻ em ở mỗi quốc gia chia tỷ lệ nhiều hay ít cũng có khác biệt lớn. Đơn hàng EU nhỏ. Do vậy, DN VN phải nghiên cứu, có chiến lược ưu tiên từng dòng sản phẩm cho từng thị trường.

Hiện Bangladesh là nước cung ứng hàng may mặc lớn nhất vào EU, tiếp đến là Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… VN vẫn còn là nhà cung ứng triển vọng cho EU trong tương lai. Trong 4 nhóm hàng may mặc tiêu thụ tại EU, hàng thiết kế cao cấp chiếm gần 5%, hàng sản xuất theo xu hướng thời trang chiếm trên 30%, hàng xu hướng theo mùa 45%, hàng giá rẻ, đáp ứng số đông chiếm 17%. Trong 4 nhóm hàng trên VN mới đáp ứng được phân khúc hàng tiêu thụ theo mùa và giá rẻ vì biên độ lợi nhuận thấp. Do vậy, DN VN nên tiếp cận các kênh phân phối lớn tại EU vì nó phù hợp với phân khúc hàng hóa của VN. Theo số liệu nghiên cứu, dệt may VN XK vào EU, doanh số tăng mạnh nhưng giá tăng không tương ứng vì VN vẫn còn chú trọng gia công. Trong khi đó, Bangladesh có sự tăng mạnh về giá so với doanh số, vì DN Bangladesh chú trọng làm hàng có giá trị cộng thêm. DN VN cần thay đổi sản xuất hàng FOB để XK vào EU.

FTA Việt Nam - EU: Thời cơ cho dệt may Việt Nam

Hiện nay, VN chiếm khoảng 7,5% thị phần tại EU, dự kiến khi ưu đãi thuế quan phổ cập GSP EU vừa thông qua cho VN, có hiệu lực từ 1-1-2014 thì thị phần sẽ tăng lên 10,5% và càng có thuận lợi hơn khi FTA VN - EU chính thức có hiệu lực, dự kiến năm 2015. Bà Dhyana Van der Pols cho biết, cái yếu của dệt may VN là thiếu nguồn nguyên liệu, gia công nhiều, phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, VN cũng có những thuận lợi và thời cơ trong cạnh tranh với nhiều nước. Dù giá nhân công của VN có tăng trong thời gian gần đây nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… VN cũng đã chủ động được nguồn vải sợi nhân tạo với nhiều nhà máy sản xuất trong nước, không bị phụ thuộc sản phẩm về bông. VN đáp ứng được sự đa dạng chủng loại hàng hóa may mặc. Đây được xem là điểm mạnh để nhà nhập khẩu chọn VN, vì họ chỉ cần đến một nơi nhưng có thể tìm mua, đặt hàng được nhiều thứ.

EU nhận thấy VN gặp khó khăn trong đầu tư ngành công nghiệp phụ trợ nên đưa ra tiêu chí xuất xứ “dễ thở” hơn so với Mỹ trong đàm phán thương mại. Theo đó, EU không bắt buộc đáp ứng công đoạn từ dệt nhuộm trở đi mà trong chuỗi này VN có thể mua bất kỳ nơi đâu, mang về xử lý 2 công đoạn tại VN, nghĩa là có “nhúng tay” vào chuỗi này một chút! Và điều quan trọng, để được hưởng thuế suất 0% trong FTA, điều bắt buộc, hàng XK vào EU vận chuyển phải đi trực tiếp vào cảng EU, không được qua cảng ngoài EU. 

 Các chuyên gia EU đánh giá, hiện VN đang quá chú trọng XK dệt may vào Mỹ. FTA VN - EU đang mở ra nhiều thuận lợi hơn, EU hy vọng dệt may VN sẽ tăng thị phần XK vào đây. Đặc biệt, khi quyết định rời bỏ Trung Quốc, các nhà nhập khẩu EU hy vọng VN sẽ là một nhà cung ứng thay thế

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục