Ý kiến: Liên kết kinh tế vùng

Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm là một nhu cầu tất yếu trong quy luật phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn nói chung và đòi hỏi của nền kinh tế nước ta nói riêng. Trong những năm qua, các vùng kinh tế trọng điểm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận trong vùng.

Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm là một nhu cầu tất yếu trong quy luật phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm đáp ứng những nhu cầu của thực tiễn nói chung và đòi hỏi của nền kinh tế nước ta nói riêng. Trong những năm qua, các vùng kinh tế trọng điểm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh lân cận trong vùng.

Tuy nhiên, có một thực tế là sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh trong vùng kinh tế phát sinh nhiều bất cập do thiếu sự quản lý, giải quyết của cơ quan quản lý cấp vùng. Mới đây, trong báo cáo tình hình hai năm thực hiện Nghị quyết đại hội XI của Đảng về kinh tế - xã hội, UBND TPHCM kiến nghị Trung ương cho tổ chức thí điểm cơ quan điều phối quản lý nhà nước cấp vùng gọn nhẹ và thực hiện một số chức năng được giao. Bởi theo UBND TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đóng góp trên 30% vào GDP cả nước mặc dù chỉ chiếm 9,2% về diện tích tự nhiên.

Tuy nhiên, giữa các tỉnh, TP vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề cần có sự chỉ đạo giải quyết kịp thời để hạn chế tác động tiêu cực và phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh, TP trong vùng. Chẳng hạn như địa phương nào cũng phát triển khu công nghiệp mà không tính đến lợi thế về nông nghiệp, không xử lý triệt để về nước thải, khói bụi, về vận tải hàng hóa đến cảng để xuất khẩu, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các khu công nghiệp… Do đó, cần có quy hoạch tổng thể và sự điều hành thực thi quy hoạch khi đã có.

Ngoài ra, lâu nay tỉnh, TP quy hoạch theo địa giới hành chính của mình nên vấn đề kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, khai thác sử dụng nước sạch ở sông và lòng đất để sản xuất công nghiệp, nông nghiệp hoặc để dùng cho đời sống người dân, xử lý rác và nước thải còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho đời sống và môi trường tự nhiên.

Cũng liên quan đến việc phát triển kinh tế vùng, tại Hội nghị công thương các tỉnh, TP khu vực Đông Nam bộ lần thứ 14 do Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức diễn ra vào tháng 4 vừa qua, các đại biểu cho rằng khu vực Đông Nam bộ được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 2/3 ngân sách và tỷ lệ đô thị hóa cao (50% so với cả nước).

Thế nhưng, kinh tế từng tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ phát triển chưa thật sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số tỉnh còn chậm; liên kết vùng còn nhiều bất cập; sự phối hợp giữa các địa phương với nhau còn nhiều mặt chưa như kỳ vọng.

Để nâng cao hiệu quả của các vùng kinh tế, việc nghiên cứu tổ chức thí điểm cơ quan điều phối quản lý nhà nước cấp vùng gọn nhẹ và thực hiện một số chức năng được giao như kiến nghị của UBND TPHCM là rất đáng phải xem xét áp dụng. Bởi đây không phải là một cấp hành chính trong hệ thống chính quyền hiện tại mà có thể nói đây là cánh tay nối dài của Chính phủ thực hiện một số công việc ở vùng. Nếu có cơ quan điều phối quản lý nhà nước cấp vùng, các vấn đề phát sinh trong phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố sẽ được giải quyết kịp thời, tạo tính liên kết vùng một cách bền vững.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục