Tập trung xử lý nợ xấu

Sáng 26-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trưa nay, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo để thông báo về nội dung phiên họp thường kỳ.

(SGGPO). - Sáng 26-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trưa nay, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo để thông báo về nội dung phiên họp thường kỳ.

Theo thông báo của ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp này, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và các Nghị quyết của Chính phủ; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra. Kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những chuyển biến đúng hướng và đạt nhiều kết quả. Nổi bật là lạm phát được kiềm chế; giá cả, thị trường khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2013 giảm nhẹ 0,06% so với tháng trước (là tháng thứ 2 có mức tăng CPI âm trong vòng 5 tháng đầu năm). So với tháng 12-2012, CPI tháng 5-2013 tăng 2,35%, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 31.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 156.430 tỷ đồng. Khoảng 8.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo phục hồi chậm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay chậm được thu hẹp; lãi suất cho vay vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể và phá sản, tuy có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức cao. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước đạt thấp. So với tháng trước, CPI sau khi có mức tăng nhẹ vào tháng 4, tiếp tục có mức tăng âm trở lại…

Từ tình hình này, sau khi thảo luận, Chính phủ thống nhất nhận định, thời gian tới, cần bám sát, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung vào các trọng tâm: tiếp tục thể chế hóa để các quy định, chính sách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế…  sớm đưa vào cuộc sống. Đồng thời làm tốt việc sơ kết, tổng kết từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp. Tiếp tục ổn định giá cả, tỷ giá, quản lý tốt thị trường vàng, kiềm chế lạm phát. Rà soát để bảo đảm mức chênh lệch hợp lý giữa lãi suất huy động và cho vay; ưu tiên tín dụng cho những sản phẩm có thị trường, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý nợ xấu. Đây là công việc khó, đã có nhiều công cụ để xử lý, trong đó Chính phủ đã ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, cần tập trung triển khai thực hiện, vừa làm vừa hoàn thiện cơ chế chính sách, không để xảy ra tiêu cực. Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, chủ yếu dành cho người thu nhập thấp.

Tại cuộc họp báo, trả lời về quan điểm của Chính phủ về sự cố mất điện ở 22 tỉnh miền Nam vừa qua cũng như giải pháp phòng ngừa những trường hợp tương tự, ông Vũ Đức Đam cho biết không chỉ 22 tỉnh, thành miền Nam mất điện mà ở Campuchia cũng bị mất theo. “Ngay khi sự cố xảy ra, Chính phủ cũng nhận được ý kiến từ phía Campuchia là thủ đô Phnom Penh mất điện, không biết có vấn đề gì không. Chúng ta phải giải thích rằng 22 tỉnh, thành của Việt Nam cũng mất điện. Đây là sự cố “rã lưới” từ trước tới giờ chưa có, để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời yêu cầu Bộ Công thương báo cáo. Bộ Công thương đã có báo cáo. Đây cũng là một nội dung được đề cập trong phiên họp sáng nay của Chính phủ.

Đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã nghe ý kiến của Bộ Công thương, yêu cầu Bộ Công thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. “Chúng ta đã có luật để bảo đảm an toàn các công trình, trong đó có các công trình điện, đặc biệt có công trình hành lang lưới điện cao áp. Trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang này đã đúng chưa... Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc”- ông Vũ Đức Đam cho biết.

Chính phủ cũng yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.

Theo sơ bộ báo cáo của Bộ Công thương, ngoài lý do mang tính sự cố, cũng còn lý do mang tính kỹ thuật là đất nước trải dài, số mạch điện 500kV nối vào còn ít (lưới điện chằng chịt rất lớn, nhưng đầu dẫn điện vào mới có mấy mạch 500kV). Vì vậy, với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đường dây 500kV dẫn vào lưới này, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cũng cho biết thêm, sự cố vừa rồi cho thấy tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Quá trình xử lý sự cố là tương đối tốt, sau 2 giờ đã khôi phục điện lưới, sau 5 giờ TPHCM đã được cấp điện và sau 8 giờ toàn bộ các tỉnh đã được cấp điện trở lại.

Chúng ta sẽ phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam, vì hiện nay, khu vực phía Nam có nhu cầu về tiêu dùng điện cao hơn. Sẽ tập trung đẩy nhanh triển khai một số công trình đường dây 500kV đã được phê duyệt. Tăng cường trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện. Với hàng chục ngàn km đường dây, lực lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục