Lại lo điện tăng giá

Trước thông tin Bộ Công thương đang xem xét đề xuất điều chỉnh tăng giá điện lên mức 10% - 15%, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ càng, thận trọng; đặc biệt nên lựa chọn mức tăng và thời điểm phù hợp để tránh gây sốc, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cũng như đời sống xã hội. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến.

  • Ông Trần Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH TM SX Cơ khí Dân Tiến: Ảnh hưởng tâm lý doanh nghiệp

Trong tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay, việc Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện dễ gây sốc, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tâm lý chán nản, lo ngại mở rộng đầu tư sản xuất, thậm chí thu hẹp hoặc ngừng sản xuất để cắt lỗ. Bởi trên thực tế, sức mua hiện đang rất yếu, trong khi đó đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với việc đẩy mạnh sức mua, nếu tăng giá điện đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng thêm. Bên cạnh đó, tăng giá điện sẽ khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu đi nhiều.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp có lãi kinh doanh còn chật vật, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có lỗ. Trong khi hàng hóa không bán được mà lại tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp không biết làm thế nào để xoay xở. Khi giá điện tăng, gánh nặng chi phí sản xuất sẽ tăng lên, doanh nghiệp phải tìm mọi giải pháp để hạ giá thành, thậm chí chịu lỗ để vượt qua khó khăn.

  • Ông Đỗ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung: Chọn lựa thời điểm phù hợp

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong nước nhìn chung vẫn còn khó khăn, sức mua gần như không tăng, các doanh nghiệp chật vật tìm kiếm đơn hàng. Do vậy, việc tăng giá điện vào thời điểm này sẽ không phù hợp, khiến tình hình hoạt động của doanh nghiệp thêm gánh nặng. Đặc thù của ngành bao bì nói riêng và một số ngành sản xuất khác nói chung, có những dây chuyền sản xuất buộc phải hoạt động liên tục ngay cả khi không có đơn hàng, nên việc tăng giá điện sẽ đẩy chi phí tăng lên trong khi đầu ra của việc sản xuất bằng không. Do đó, nếu buộc phải tăng giá điện, nên lựa chọn thời điểm phù hợp, có thể vào cuối năm. Bởi vào thời điểm này, nhu cầu sản xuất tăng cao và mua sắm của thị trường sẽ nhộn nhịp hơn, các doanh nghiệp có đơn hàng để hoạt động liên tục, bù đắp được chi phí vào giá điện tăng.

Tóm lại, nên cân nhắc tăng giá điện vào thời điểm cần thiết để chia sẻ khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Và nếu tăng giá điện, các cơ quan chức năng cần tham khảo các hiệp hội, doanh nghiệp để xem khả năng chịu đựng, dự kiến tác động ra sao. Cần tránh quyết định giá xong sẽ có những hậu quả phát sinh không lường trước được.

  • Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thép Việt (Pomina): Công khai, so sánh với các nước láng giềng

Bình quân để luyện ra 1 tấn thép thành phẩm sẽ phải tiêu tốn khoảng 500 - 600 kW điện. Đối với nhà máy có dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất cũng phải mất trung bình 300 - 350 kW/tấn thép. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng vọt. Trên thực tế, chi phí đang là bài toán đau đầu nhất với ngành sắt thép, xi măng; căng thẳng hơn cả việc lo đầu ra hay hàng tồn kho. Việc tăng giá điện sẽ tác động nặng nề làm tăng cao chi phí đầu vào, đẩy doanh nghiệp đến chỗ khó khăn thêm. Với tình hình xây dựng trầm lắng hiện nay, doanh nghiệp thép cũng như ngành vật liệu xây dựng xem việc tăng giá điện là vấn đề quan trọng, có tính chất thiết yếu đối với nhiều ngành sản xuất kinh doanh.

Do vậy, việc tăng giá điện cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng và nên tăng vào thời điểm phù hợp nhằm tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Trong trường hợp bắt buộc phải tăng giá, ngành điện cần công khai, so sánh giá điện trong nước với các nước trong khu vực nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh lành mạnh.

LẠC PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục