Tái cơ cấu VNPT - Được và mất

Lãnh đạo Bộ TT-TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, nếu phương án tái cơ cấu được thông qua theo phương án của Bộ TT-TT trình Chính phủ, khoảng 60 doanh nghiệp (DN), trong đó có nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ của VNPT sẽ chuyển sở hữu sang MobiFone.

Lãnh đạo Bộ TT-TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, nếu phương án tái cơ cấu được thông qua theo phương án của Bộ TT-TT trình Chính phủ, khoảng 60 doanh nghiệp (DN), trong đó có nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ của VNPT sẽ chuyển sở hữu sang MobiFone.

VNPT sẽ giữ lại những DN có ngành nghề liên quan trực tiếp tới ngành nghề kinh doanh của VNPT là viễn thông và CNTT, trong đó có DN đang kinh doanh tương đối hiệu quả. Còn lại, hơn 60 DN khác (trong đó nhiều DN không nằm trong ngành nghề kinh doanh chính của VNPT, kinh doanh khó khăn, đã được VNPT góp vốn vào khoảng 1.600 tỷ đồng) sẽ do MobiFone gánh vác nghĩa vụ tài chính. Lúc đó, MobiFone sẽ là trụ cột chính trong Tổng Công ty Thông tin di động được thành lập theo phương án này.

Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, đây là quyết định đã được VNPT cùng Bộ TT-TT cân nhắc kỹ lưỡng, là hướng đi đảm bảo cho VNPT có một bức tranh tài chính lành mạnh sau tái cơ cấu, trong khi MobiFone vẫn có đủ điều kiện để phát triển trong thời gian tới.

Cả ông Trần Mạnh Hùng và ông Phạm Hồng Hải (Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT) đều cho rằng, trong khi vốn điều lệ của VNPT hiện nay khoảng hơn 70.000 tỷ đồng, thì con số 1.600 tỷ đồng là nguồn vốn tương đối nhỏ. Về mặt tài chính, có lẽ cũng không phải gánh nặng quá lớn cho Tổng Công ty Thông tin di động hay trực tiếp là MobiFone, nếu được chia tách theo phương án đã trình lên Chính phủ.

Ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone, cũng tỏ ra rất lạc quan khi khẳng định, nếu được phê duyệt tách ra khỏi VNPT, MobiFone không thấy có gì khó khăn. Năm 2013, lợi nhuận của MobiFone đạt hơn 6.000 tỷ đồng, trong khi thoái vốn của VNPT hay nói cách khác là MobiFone phải “gánh thêm” khoảng 1.600 tỷ đồng không phải là quá nhiều.

Ông Lê Ngọc Minh cho biết, hiện nay MobiFone đã chuẩn bị cả về phương án phát triển cũng như tài chính để ra “ở riêng”. MobiFone cũng sẵn sàng điều chỉnh nội bộ về mô hình tổ chức, tối ưu hóa các nguồn lực để mở rộng thêm dịch vụ trong ngành viễn thông, CNTT ngoài lĩnh vực chính là thông tin di động như hiện nay bằng tiềm lực, đội ngũ, kinh nghiệm hiện có.

Trong nhiều năm qua, trong làng viễn thông Việt Nam, MobiFone là thương hiệu đã thành danh, phát triển năng động với quy mô doanh thu, lợi nhuận, bộ máy lớn, khả năng tự chủ cao. Trong cùng VNPT nhưng hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone, trung bình chiếm tới 60% - 70% lợi nhuận toàn Tập đoàn VNPT.

Theo ông Phạm Hồng Hải, quan điểm của Bộ TT-TT là tách MobiFone để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa chứ không phải lại để Nhà nước sở hữu 100% vốn như trước. Nếu Chính phủ phê duyệt phương án tách MobiFone và cổ phần hóa DN này, Bộ TT-TT sẽ chỉ quản lý MobiFone về mặt nghiệp vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, giống như đang quản lý các DN khác, như kết nối giữa các DN viễn thông, giá cước, chất lượng dịch vụ viễn thông...

Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, Đề án tái cấu trúc VNPT mà Bộ TT-TT vừa trình Thủ tướng Chính phủ chỉ là điểm khởi đầu trong hành trình 5 - 15 năm tới của hoạt động cải tổ thị trường viễn thông Việt Nam. Câu chuyện dài hơi cần phải đặt ra và suy nghĩ ngay từ bây giờ là liệu chỉ có MobiFone cổ phần hóa hay sau này kể cả VNPT cũng sẽ cổ phần hóa, hoặc trong tương lai liệu có thể có tập đoàn tư nhân chiếm vai trò DN chi phối trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam hay không?

Theo ông Võ Trí Thành, trong tương lai, MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 DN còn lại, buộc các DN phải cung cấp dịch vụ tốt hơn và thị trường viễn thông Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch hơn theo cơ chế thị trường.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục