Làn đường đi bộ mỗi nơi mỗi kiểu

Sau khi lập lại trật tự vỉa hè bị chiếm dụng ở  nhiều địa phương thì một số nơi bắt đầu kẻ vạch sơn phần đường dành riêng cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè được giao về cho quận, huyện quản lý đã dẫn đến làn đường dành riêng cho người đi bộ vẽ mỗi nơi mỗi kiểu và cách làm khác nhau.

Sau khi lập lại trật tự vỉa hè bị chiếm dụng ở  nhiều địa phương thì một số nơi bắt đầu kẻ vạch sơn phần đường dành riêng cho người đi bộ. Tuy nhiên, vỉa hè được giao về cho quận, huyện quản lý đã dẫn đến làn đường dành riêng cho người đi bộ vẽ mỗi nơi mỗi kiểu và cách làm khác nhau.

Quyết định 74/2008 của UBND TPHCM ban hành quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè đã quy định, đối với vỉa hè có bề rộng trên 3m được sử dụng 1,5m tính từ mép nhà hoặc bó vỉa trở vào nhưng chỉ được để xe chứ không để hàng hóa. Đối với vỉa hè nhỏ hơn 3m được sử dụng tạm nhưng cũng phải đảm bảo lưu thông cho người đi bộ. Quyết định được ban hành từ lâu nhưng nhìn lại nhiều tuyến đường hiện vẫn chưa ưu tiên cho người đi bộ.

Cụ thể, tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám trải dài qua nhiều quận 1, 3, 10 và Tân Bình nhưng vỉa hè dành cho người đi bộ không đồng bộ. Phần vỉa hè thuộc quận Tân Bình do chừa chỗ cho xe đậu rất rộng nên nhiều nhà đã để hàng hóa ra buôn bán. Qua địa bàn quận 10 thì vỉa hè hẹp, các hộ kinh doanh để một làn xe đã chiếm hết vỉa hè nên đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Còn quận 3 cũng kẻ vạch sơn nhưng để nhiều người buôn bán với tủ thuốc, bàn cà phê trong vạch. Hay nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1 có lượng người đi bộ nhiều nhất thì lại cho xe đậu phía bên nhà và sát bó vỉa, chỉ để lại làn đường chính giữa rất hẹp cho người đi bộ như ở các đường Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu… Nhiều tuyến đường có bồn cây xanh ở sát mép đường, trở thành vật cản khiến người đi bộ phải “né” như trên đường Ba Tháng Hai (quận 10), đường An Dương Vương (quận 5)… Còn vỉa hè trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) cũng một bên nhưng có chỗ rộng, chỗ hẹp.

Theo ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc sử dụng vỉa hè nên thống nhất chung, phải cụ thể theo từng tuyến đường. Trước hết, phải ưu tiên cho giao thông, chỗ nào vỉa hè cho người đi bộ rộng phải có cách làm phù hợp. “Theo tôi, để xe ở sát bó vỉa và để người đi bộ bên trong sẽ tiện hơn. Vỉa hè có nơi rất rộng, nơi không có; nếu dùng chuẩn chung thì sẽ hơi cứng nhắc nên phải linh hoạt nhưng vẫn phải đẹp”, ông Võ Kim Cương nhận định.

Cùng suy nghĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không cần cứng ngắc. Làn đường cho người đi bộ ở bên trong hay bên ngoài đều có thuận lợi và khó khăn. Nếu làn đường cho người đi bộ phải vẽ vạch sơn kèm chữ cho dễ nhận ra. Để người đi bộ không phải “né” các vật cản nên để làn đường đi bộ phía bên trong. Xe để bên ngoài cần phải chừa lại lối để lên xuống và sẽ hạn chế được tình trạng xe máy leo lên vỉa hè. Trường hợp vỉa hè quá rộng, có thể cho thuê bày hàng hóa kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho hay cần có quy định chung, trước hết phải ưu tiên cho người đi bộ. Theo chuẩn quốc tế thì một người đi bộ phải sử dụng khoảng 0,6m, nếu 2 người thì 1,2m… Đi bộ phải đi sát nhà để đảm bảo an toàn, ngoài ra cũng không vướng cột điện, nhà chờ xe buýt, cây xanh… Nếu vỉa hè hẹp nên dắt xe máy vào trong nhà để ưu tiên cho người đi bộ.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục