Đắk Lắk công bố quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều 17-1, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo đó, quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2030, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước. Kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc văn hóa các dân tộc...

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm là 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) giảm hàng năm 1,5% - 2%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 3% - 4%/năm; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% - 44%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước sạch đạt 65%…

Đến năm 2050, mục tiêu của Đắk Lắk là thuộc nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước, là điểm đến yêu thích, đáng sống, xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế. Thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

img-4819-4337.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ của quy hoạch.

Trước hết, Đắk Lắk xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đào tạo, thu hút nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại liên kết với các vùng, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; tập trung phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Tin cùng chuyên mục