Làng tranh Đông Hồ: Hàng mã “đánh ngã” hàng tranh

Làng tranh Đông Hồ: Hàng mã “đánh ngã” hàng tranh

Những ngày phiên chợ như mùng 6, 11, 16, 21, 26 tháng chạp, mới tờ mờ sáng là dòng người ở khắp nơi đổ về làng Hồ đông vui như trẩy hội. Có nhiều người đến đây để mua bán tranh, nhưng cũng lắm người đến đây chỉ để thỏa thú tò mò, đam mê muốn thưởng thức tranh làng Hồ. Nhưng đó là hình ảnh của ngày xưa, còn bây giờ...

  • Xưa: "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp"

Làng tranh Đông Hồ, thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Xưa kia, làng có tên gọi là làng Mái. Được phù sa của dòng sông Đuống bồi đắp để tạo nên một vùng quê thật trù phú. Thi sĩ Hoàng Cầm đã không cầm được lòng mình khi thốt lên những câu thơ đầy vẻ tự hào để ca ngợi:

“Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, 77 tuổi, một nghệ nhân đã gắn bó với nghề tranh cũng ngót 70 năm nay cho biết: “Nghề tranh của làng đã có từ rất lâu, đến đời của tôi thì không biết là đời thứ bao nhiêu nữa. Tôi vẫn luôn tự nhủ lòng mình, rồi lại dặn dò con cháu là phải giữ nghề truyền thống bằng được. Hiện nay nhà tôi có 3 thế hệ đều cùng làm tranh. Bảo tồn và giữ nghề tranh cũng chính là “níu giữ hồn dân tộc” trong những bức tranh.

Bức tranh "đám cưới chuột"

Bức tranh "đám cưới chuột"

Bên chén trà nóng, ông Sam trầm ngâm kể tiếp: Vào những năm 40 của thế kỷ trước, là thời kỳ cực thịnh nhất của làng tranh. Cứ cuối tháng 7, đầu tháng 8 là tranh lại vào mùa rộ. Trong làng, mọi người hối hả, tất bật cho một mùa làm tranh tết. Mọi ngóc ngách trong làng đều chật kín chỗ, họ lấy chỗ để phơi giấy làm tranh. Cả làng rực rỡ màu vàng óng của giấy điệp.

Chợ tranh Đông Hồ đông vui và nhộn nhịp nhất là vào những ngày tháng chạp. Những ngày phiên chợ như mùng 6, 11, 16, 21, 26, mới tờ mờ sáng là dòng người ở khắp nơi về làng Hồ đông vui như trẩy hội. Có nhiều người đến đây để mua bán tranh, nhưng cũng lắm người đến đây chỉ để thỏa thú tò mò, đam mê muốn thưởng thức tranh làng Hồ.

Nhiều người không quản ngại đường xa đã lặn lội từ những vùng Thanh Hóa, Nghệ An để về đây. Ai cũng tâm niệm một điều rằng: Ngày tết có một vài bức tranh Đông Hồ treo trong nhà thì coi như năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn sung túc, gia đình yên ấm. Còn người làng Đông Hồ thì ai cũng đều khắc nhớ câu ca rằng:

“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh”.

Tranh làng Hồ đã được nhiều người coi như đặc sản của xứ Kinh Bắc. Để rồi ai đi xa cũng phải nhớ, mà ở gần thì thêm yêu. Nét đặc trưng trong những bức tranh không phải là nó được in trên những chất liệu giấy tốt, nhẵn bóng hay những màu sắc lòe loẹt.

Tranh Đông Hồ đậm chất dân gian không phải chỉ riêng từ chất liệu dân gian. Những đề tài được phản ánh trong những bức tranh cũng hết sức dung dị, gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó là những nhân vật trong những truyền thuyết, các tích xưa như Phạm Công  Cúc  Hoa, Khổng Tử hay những bức tranh ca ngợi vẻ đẹp của non sông đất nước, tranh cầu chúc (vinh hoa phú quý) hoặc những cảnh sinh hoạt đời thường vui nhộn như Hứng dừa, đánh ghen, Mục đồng thổi sáo.

Dưới những bức tranh, bao giờ những nghệ nhân cũng đề một vài câu thơ; như với bức tranh Hứng dừa câu thơ là:

“Khen ai khéo dụng nên dừa
Đấy chèo đây chống cho vừa một đôi”.

Còn với bức tranh đám cưới chuột được lấy đề tài, ý tưởng từ xưa, lúc đó cuộc sống của người dân chịu sự đè nén, áp bức, còn thói xấu lúc đó là thói xu nịnh, tham nhũng, cửa quyền.

  • Hàng mã “đánh ngã” hàng tranh
Làng tranh Đông Hồ: Hàng mã “đánh ngã” hàng tranh ảnh 2

Tranh Đông Hồ giờ chỉ còn là kỷ vật để lưu giữ

Trong chiến tranh, làng tranh Đông Hồ cũng bị chiến tranh tàn phá. Người dân lúc đó chỉ mải lo chạy giặc. Hàng vạn bản khắc gỗ làm tranh đã bị đốt cháy, thiêu rụi. Để khôi phục làng tranh, năm 1967, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã cùng 50 thợ cả trong làng thành lập “Hợp tác xã sản xuất tranh”. Làng tranh dần được phục hồi và đã xuất khẩu đi nước ngoài.

Tuy nhiên, đến cuối thập kỷ 90 thì làng tranh suy tàn. Tranh làm ra nhưng không bán được.  Còn người dân thì lại không còn mặn mà, tâm huyết với nghề tranh nữa. Thay vào đó, người dân chuyển sang nghề làm hàng mã. Bao nhiêu bản khắc tranh được người dân làm chuồng gà, đun bếp. Nhìn cảnh đó mà tôi thấy xót lòng. Chẳng lẽ dân làng lại quay lưng với nghề truyền thống hay sao?

Ông Sam đã đi vận động và khuyên nhiều người đừng bỏ nghề tranh nữa, nhưng cũng không thành công. Cũng trách họ làm sao được, so với nghề tranh thì nghề làm hàng mã đem lại thu nhập cao hơn nhiều, nghệ nhân Sam hồi tưởng lại.

Bây giờ đi khắp mọi ngõ ngách trong làng Hồ thì vẫn thấy ngập tràn một màu đỏ, nhưng đó là giấy để làm hàng mã. Trong làng giờ chỉ còn một vài nghệ nhân là tâm huyết, bám trụ với nghề như nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế. Có tới 97% người dân trong làng làm hàng mã.

Anh Huy, một người trong làng cho biết: “Tôi cũng biết rằng từ bỏ và quay lưng với nghề tranh là không nên. Nhưng biết làm sao được đây, khi tranh chúng tôi làm ra không bán được. Bây giờ làng Hồ làm hàng mã hết rồi!”.

ĐỨC LƯU

Tin cùng chuyên mục