Lao đao vì cuộc chiến thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lan rộng trên phạm vi toàn cầu khiến nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có Liên minh châu Âu (EU). 

Kết quả một cuộc thăm dò doanh nghiệp vừa công bố cho thấy, có đến 1/3 công ty thuộc EU hoạt động tại Trung Quốc đang hứng chịu tác động không nhỏ trong lúc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tung ra các đòn trả đũa thương mại. Theo cuộc thăm dò trên, cuộc chiến thương mại là một trong những lo ngại hàng đầu đối của các doanh nghiệp EU tại Trung Quốc (23%), chưa kể mối lo về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc (45%). Trong khi đó, 27% lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và 23% lo ngại về chi phí lao động gia tăng tại Trung Quốc. 

Nhiều công ty châu Âu than phiền vì hậu quả buộc phải gánh chịu đến từ chính chiến dịch thương mại chống lại Trung Quốc mà Chính phủ Mỹ đang áp dụng. 6% doanh nghiệp đã phải di chuyển địa điểm để tránh các trừng phạt của Mỹ, hoặc cũng đang lên kế hoạch chuyển các nhà máy của mình tới các nước khác ở châu Á, hoặc về châu Âu. Viễn cảnh còn đang trở nên mờ mịt hơn, khi chỉ có 45% doanh nghiệp châu Âu lạc quan về dự báo tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của họ trong 2 năm tới ở Trung Quốc - trong khi con số này trong năm ngoái là 62%. 

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp châu Âu cùng chia sẻ quan điểm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về những chỉ trích của ông đối với Bắc Kinh trong vấn đề chuyển giao công nghệ. Khoảng 20% các doanh nghiệp tham gia khảo sát phàn nàn về việc bị ép chuyển giao công nghệ vì lợi ích của đối tác Trung Quốc, cao gấp đôi so với mức ghi nhận hai năm trước. Phần lớn các công ty châu Âu cáo buộc các doanh nghiệp nhà nước và các công ty con được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Một nửa số doanh nghiệp cũng không hy vọng vào một sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc do vấp nhiều rào cản trong hoạt động kinh doanh trong vòng 5 năm tới. EU ngày càng nản lòng trước tốc độ mở cửa chậm của Trung Quốc, thậm chí sau nhiều năm cho phép nước này tiếp cận gần như không giới hạn đối với các thị trường EU về thương mại và đầu tư. 

Đề cập về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp EU tại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại EU Charlotte Roule cho rằng không thể phủ nhận việc căng thẳng thương mại là một bất trắc đối với môi trường kinh doanh. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ không sớm kết thúc dù hai bên có đạt thỏa thuận hay không. Tuyên bố trên cũng cho thấy ngoài sức ép từ rào cản pháp lý sau thời gian hoạt động tại Trung Quốc, xung đột thương mại giữa hai quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới càng khiến các doanh nghiệp châu Âu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Giới quan sát còn cảnh báo, nếu vòng đàm phán cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục bế tắc, không chỉ có doanh nghiệp EU hoạt động tại Trung Quốc mà còn doanh nghiệp quốc gia khác sẽ tính đến việc di dời hoạt động. Mới đây, sau khi Chính phủ Mỹ áp mức thuế mới, một số doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc quyết định rời khỏi quốc gia này. Sự ra đi của doanh nghiệp nước ngoài cũng gây ra tổn thất không nhỏ cho Trung Quốc. Theo thống kê của Cục thống kê Trung Quốc, mặc dù chỉ chiếm con số nhỏ, nhưng doanh nghiệp nước ngoài đã tạo ra nguồn lợi nhuận công nghiệp với quy mô lớn lẫn nguồn thuế cao.

Tin cùng chuyên mục