Lấp đầy khoảng trống

Các chuyên gia kinh tế lưu ý, “cuộc chơi” này, nhất là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), có quy định mang tính bảo vệ rất cao cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Vừa qua, khi Việt Nam lần lượt gia nhập các hiệp định thương mại tự do, chúng ta thường nhắc nhiều đến cơ hội, tiềm năng hợp tác, khả năng làm giàu… Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế lưu ý, “cuộc chơi” này, nhất là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), có quy định mang tính bảo vệ rất cao cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, các cơ quan nhà nước cần xem xét đến yếu tố bị khởi kiện nếu vi phạm các quy định kinh doanh. 
Tại một cuộc họp diễn ra mới đây, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) thông tin, nội dung thương mại dịch vụ qua biên giới trong CPTPP có đề cập tới đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, mở cửa thị trường, hiện diện địa phương…
Với mục “đối xử quốc gia” quy định, nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Mục “đối xử tối huệ quốc” nhấn mạnh cơ quan quản lý nước sở tại không được đối xử với nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên CPTPP ở hoàn cảnh tương tự kém thuận lợi hơn nhà cung cấp dịch vụ của thành viên CPTPP khác hoặc của một bất kỳ nước nào khác.
Với mục “mở cửa thị trường” quy định, nước sở tại không được duy trì 5 loại hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Trong các hạn chế này gồm có hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ, hạn chế tổng giao dịch hoặc tài sản, hạn chế tổng số hoạt động dịch vụ, hạn chế về số lượng lao động và hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp.
Ở mục còn lại, “hiện diện địa phương”, nước sở tại không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải thành lập văn phòng đại diện hoặc hình thức hiện diện nào đó thì mới được cung cấp dịch vụ.
Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi tính công khai, minh bạch rất cao; trong khi, hạn chế của hệ thống luật pháp Việt Nam chính là những yêu cầu này. Nếu không “lấp đầy” các khoảng trống yếu kém, “xin - cho” của luật pháp, khả năng các cơ quan Nhà nước bị doanh nghiệp nước ngoài khởi kiện sẽ rất lớn. 

Tin cùng chuyên mục