Lịch sử của sự kiện tranh chấp chủ quyền quần đảo Kurils giữa Nga và Nhật

Hỏi:

Hỏi: Vừa qua, báo Sài Gòn Giải Phóng có nói đến việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Kurils giữa Nga và Nhật. Xin cho biết lịch sử của sự kiện này.
Lê Thế Anh (Đường Lý Tự Trọng, TX Bạc Liêu)

Đảo Sakhaline (87.100km2) và quần đảo Kurils (16.000km2) nằm ở phía Đông nước Nga và phía Bắc nước Nhật. Năm 1875, hai nước thỏa thuận: Sakhaline thuộc Nga, Kurils thuộc Nhật.

Ngày 8-2-1904, Nhật tấn công Nga. Ngày 5-9-1905, Nga ký hòa ước Portsmouth nhường cho Nhật miền Nam Sakhakine (từ vĩ tuyến 50 trở xuống).

Bốn mươi năm sau, tại Hội nghị Yalta (2–1945), Tổng thống Mỹ F. D. Roosevelt và Thủ tướng Anh W. Churchill đề nghị Liên Xô cùng đánh Nhật. Nguyên soái Stalin đặt điều kiện: Mỹ và Anh phải buộc Nhật trả lại miền Nam Sakhaline và nhường Kurils cho Liên Xô. Mỹ và Anh đồng ý. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh (15-8-1954), các đảo trên thuộc về Liên Xô.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, Nhật đòi lại quần đảo Kurils. Năm 1956, Liên Xô hứa trả hai trong bốn đảo của Kurils nhưng Nhật đòi phải trả hết. Vụ việc vẫn chưa giải quyết dứt khoát nên tới nay hai nước vẫn chưa ký được Hiệp ước hòa bình Nga – Nhật.
Quần đảo Kurils gồm 56 đảo (trong đó có 4 đảo lớn), có 38 núi lửa đang hoạt động, thường xảy ra động đất, có nhiều suối nước khoáng nóng. Ngoài giá trị kinh tế, Kurils còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng đối với cả hai nước.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục