Loay hoay chống chọi với thép nhập khẩu

Ngành thép đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa, trong đó có lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ gây sức ép cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng xảy ra mâu thuẫn lợi ích giữa nội bộ trong ngành thép.
Loay hoay chống chọi với thép nhập khẩu

Ngành thép đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa, trong đó có lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ gây sức ép cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng xảy ra mâu thuẫn lợi ích giữa nội bộ trong ngành thép. 

Cung lớn, giá tiếp tục giảm

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2016, ngành sản xuất thép trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn do tình trạng dư cung có thể kéo dài và hàng nhập khẩu gia tăng. Theo đó, giá bán thành phẩm thép tiếp tục giảm theo xu hướng của giá nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, nguồn cung dồi dào từ trong và ngoài nước sẽ đẩy giá thép xuống sâu trong những năm tới; lượng tồn kho thép xây dựng lớn. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong ngành ngày một khốc liệt, khi những doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện lạc hậu đang dần bị thị trường loại bỏ, thị phần tập trung về tay những doanh nghiệp lớn, có lợi thế về chi phí sản xuất. Trước thực trạng này, rất có thể nhiều doanh nghiệp thép vừa và nhỏ sẽ phá sản trong thời gian tới.

Đáng chú ý, cạnh tranh từ thép Trung Quốc nhập khẩu tiếp tục tạo ra quan ngại lớn cho tất cả các doanh nghiệp nội địa. Nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, trong khi quy hoạch ngành thép với công suất thiết kế quá lớn khiến cho lượng cung hàng vượt xa so với cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, buộc các doanh nghiệp thép Trung Quốc phải tìm cách để xuất khẩu với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Hiện nay, Việt Nam trở thành thị trường lý tưởng do thị trường bất động sản đang có xu hướng hồi phục, vị trí địa lý kề bên Trung Quốc giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, đến năm 2018, thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2015, lượng phôi thép và thép dài nhập về Việt Nam đã lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng 30%, trong đó trên 70% là thép Trung Quốc. Còn theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2016, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường khu vực như Trung Quốc có khả năng giảm, nhu cầu tiêu dùng trong nước khó tăng… Đặc biệt, đối với mặt hàng thép xây dựng, do cung đang lớn hơn cầu và quốc gia có sản lượng thép lớn là Trung Quốc vẫn đang thực hiện các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, nên dự báo giá thép trong nước sẽ khó có khả năng tăng.

Trước diễn biến trên, Bộ Công thương cũng đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp thép trong nước cần liên kết chặt chẽ để gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các khó khăn do sức ép cạnh tranh ngày càng tăng.

Doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang quan ngại trước sự cạnh tranh của thép nhập lậu. Ảnh: CAO THĂNG

Lo ngại mâu thuẫn lợi ích

Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam cùng 4 doanh nghiệp thép là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty CP Thép Hòa Phát đã gửi đơn yêu cầu về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam và được Bộ Công thương xác nhận là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật, đồng thời đang tiến hành điều tra. Các doanh nghiệp này đưa ra những luận chứng cho thấy, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với nhóm mặt hàng này là hết sức cần thiết và cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo sự công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp thép Việt Nam chống đỡ với hàng nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Cụ thể là để bảo vệ ngành luyện kim đầu tư từ thượng nguồn còn non trẻ của Việt Nam trước nguy cơ bị xóa sổ. Bởi trước năm 2010, ngành thép Việt Nam vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào phôi thép nhập khẩu từ nước ngoài khi khối lượng nhập khẩu trên 2 triệu tấn/năm.

Đến nay, ngành thép đã tự đáp ứng nhu cầu trong nước và trở thành nước xuất khẩu phôi thép trong khu vực. Nhưng trước sự nhập khẩu ồ ạt của thép ngoại, ngành thép Việt Nam đang biến thành nơi gia công công đoạn cuối và trở thành thị trường tiêu thụ cho thép ngoại. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tự vệ còn để ngăn chặn sự ồ ạt của thép nhập khẩu và bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.

 

 Theo thống kê của WTO, mỗi năm các nước trên thế giới tiến hành điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại khoảng 150 vụ, riêng ngành thép chiếm tới khoảng 60%. Trong 7 năm gần đây, Ủy ban châu Âu đã 14 lần sử dụng hàng rào thuế quan và áp dụng biện pháp phụ phí nhập khẩu lên tới 40% đối với thép Trung Quốc; Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây Trung Quốc ở mức 31,2% - 35,31%...

 

Ngay sau khi Bộ Công thương thụ lý đơn của 4 doanh nghiệp trên, 6 doanh nghiệp khác trong ngành thép cũng đã cùng ký tên trong một kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu. Các doanh nghiệp này cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ như vậy sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép. Trong đó, thuế suất nhập khẩu phôi thép hiện nay là 9%, nếu được tăng lên 45% sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo. Điều này khiến phần lớn các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường; người tiêu dùng không được hưởng giá thấp…

Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào trên thế giới như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ… cũng như ở Việt Nam, đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên. Trong đó, các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Do đó, trong quá trình điều tra, Bộ Công thương sẽ đảm bảo mọi quy trình, thủ tục đều được tiến hành công khai, mình bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam. Đối với các ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 doanh nghiệp trong nước đã được Bộ Công thương ghi nhận, xem xét thận trọng và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục