Mái ấm nhà báo chiến sĩ

Cuối năm 1988, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng có chủ trương giải thể các tờ báo Quân khu, Quân đoàn, thay bằng tờ tin cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Từ Báo Quân khu 7, tôi có hai lựa chọn: về Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) hay Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP)? Cả hai tờ báo ấy tôi đều yêu mến và là cộng tác viên nhiều năm.

Cuối năm 1988, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng có chủ trương giải thể các tờ báo Quân khu, Quân đoàn, thay bằng tờ tin cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Từ Báo Quân khu 7, tôi có hai lựa chọn: về Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) hay Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP)? Cả hai tờ báo ấy tôi đều yêu mến và là cộng tác viên nhiều năm.

Cuối cùng, tôi quyết định về Báo QĐND để thỏa mãn ước mơ làm phóng viên chiến trường; ấy là lúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (CPC) đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Các nhà báo chiến sĩ tại Ban đại diện phía Nam Báo QĐND

MỘT

Về Báo QĐND, tôi được phân công vào tổ phóng viên thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Tôi đã nghe danh các anh lãnh đạo và phóng viên của Ban đại diện phía Nam Báo QĐND (Ban đại diện) văn phòng đặt tại TPHCM. Anh Vũ Linh, Trưởng ban, cán bộ từ thời kháng chiến chống Pháp, một người viết bình luận thời sự quốc tế sắc sảo, hiểu rất sâu về Nam bộ. Anh Phạm Đình Trọng, Phó trưởng ban, vốn là phóng viên Báo “Chiến sĩ miền Tây” từ mặt trận Lào chuyển về. Tôi “mê” những bài ký “chân trang” với bút danh Khánh Tường của anh.

Do mối quan hệ thân tình từ lâu giữa Báo QĐND và Báo Quân khu 7, tôi không chỉ quen biết 2 anh chỉ huy mà còn thân quen nhiều phóng viên khác, như các anh: Trần Ngọc Thị, Bùi Ngọc Nội, Trần Hoàng... vốn là “lính” Quân khu 7 chuyển về. Phó trưởng ban Phạm Đình Trọng, trực tiếp phụ trách tổ phóng viên thường trú, phân công tôi theo dõi địa bàn Quân khu 7. Thế là tôi đã thực hiện được ước mơ làm phóng viên chiến trường của Báo QĐND - tờ báo tôi yêu thích và ngưỡng mộ.

Cũng phải nói thêm, trước đó tôi đã là “phóng viên chiến trường” của Báo Quân khu 7.

Tháng 9-1977, khi Pôn Pốt lùa quân sang tàn sát đồng bào ta dọc biên giới Tây Nam, cũng là lúc từ Sư đoàn 5 tôi về “đầu quân” cho Báo Quân khu 7. Tôi may mắn là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt trên biên giới Tây Nam. Tháng 1-1979, tôi cùng nhà báo Xuân Hòa được phân công theo Sư đoàn 5 đánh địch dọc đường số 7 từ Kratre qua Svayrieng, Koong pông Thơm, tiến công giải phóng Siêm Riệp. Bây giờ về làm Báo QĐND được phân công trở lại chiến trường, thật phù hợp với nguyện vọng của tôi. Đúng là người thì mới, nhưng công việc lại cũ.

Ít lâu sau, Tổng Biên tập (TBT) Trần Công Mân có chuyến thăm Báo Quân đội cách mạng CPC - nơi các phóng viên của Báo QĐND đang làm cố vấn. Tôi cùng trưởng ban Vũ Linh và các nhà báo Thùy Chi, Minh Tâm tháp tùng đồng chí TBT. Chiếc ô tô Mazda cũ kỹ do anh Nguyễn Xuân Quốc lái đưa “thầy trò” chúng tôi vượt qua chặng đường trên 200km từ TPHCM sang thủ đô Phnom Penh. Chuyến đi để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Ấn tượng mạnh nhất là cách ứng xử của người đứng đầu một trong những tờ báo lớn nhất đất nước; về mối quan hệ bang giao tầm quốc tế của một vị tướng - TBT.

Là lính mới của Báo QĐND, sau này tôi còn được cử theo bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ ở CPC - đất nước của nền văn minh Angkor huyền thoại. Đặc biệt, đợt rút quân cuối năm 1989 với những kỷ niệm không thể nào quên.

Với sự say mê nghề nghiệp, dù được giao nhiều nhiệm vụ như: Phó trưởng ban rồi Trưởng ban; Bí thư chi bộ Ban đại diện rồi Đảng ủy viên Báo QĐND, tôi không quên viết bài. Những bài ký “chân trang”, vệt bài phóng sự điều tra của tổ phóng viên thường trú đã góp phần tạo nên diện mạo mới, sức sống mới của Báo QĐND thời ấy.

HAI

Thời kỳ ấy nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn. Những người lính làm báo trong quân đội cũng gặp vô vàn khó khăn. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, các anh chỉ huy và chi ủy Ban đại diện không bó tay mà mày mò làm tất cả những gì có thể làm được để cải thiện, nâng cao đời sống đơn vị. Dạo tôi chưa về nhận công tác, các anh Vũ Linh, Phạm Đình Trọng, Bùi Ngọc Nội... đã liên hệ mượn đất Sư đoàn Phòng không 367 trồng chuối, trồng rau, nuôi cá, nuôi heo và tận dụng giấy vụn in báo để tăng nguồn thu. Tuy vậy, đến thời kỳ đổi mới thì hình thức trên không còn phù hợp nữa. Đời sống anh em vẫn chưa cải thiện là bao, ngày càng khó khăn. Bằng cách nào để “thoát nghèo”, vừa nâng cao chất lượng báo, mở rộng quan hệ vừa cải thiện đời sống người lao động? Tập thể lãnh đạo Ban đại diện đã đưa ra nhiều phương án để anh em góp ý, bàn bạc. Chúng tôi mạnh dạn xây dựng đề án thí điểm làm kinh tế. Thứ nhất, sắp xếp lại nơi làm việc của cơ quan, tận dụng mặt bằng, liên kết khai thác, sử dụng. Thứ hai, xin chủ trương cho phép tổ chức các trang phụ bản quảng cáo. Có trang hợp đồng với đối tác chỉ in và phát hành ở khu vực phía Nam...

Được sự đồng ý của Ban biên tập (BBT) và thủ trưởng Tổng cục Chính trị (TCCT); được các cơ quan chức năng ủng hộ, cả hai loại hình thí điểm làm kinh tế trên được triển khai; bước đầu có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cơ quan. Hàng năm còn đóng góp một phần tài chính cho tòa soạn. Không dừng lại ở việc thí điểm làm kinh tế, Ban đại diện tại TPHCM còn chủ động đề xuất tổ chức nhiều hoạt động ngoài trang báo, làm cho nhiều người biết và đọc Báo QĐND. Ban đại diện là đơn vị đầu tiên của tòa soạn tổ chức các cuộc giao lưu giữa phóng viên báo với bạn đọc; đặc biệt là bạn đọc trẻ ở TPHCM, Cần Thơ và phối hợp tổ chức ở một số địa phương trong cả nước. Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Báo QĐND có dịp giao lưu với bạn đọc, góp phần tăng sức sống mới của tờ báo Đảng trong quân đội. Ban đại diện còn phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TPHCM thành lập CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ. Nhiều cuộc triển lãm ảnh của các nhà báo quân đội được tổ chức tại TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội… góp phần tích cực tăng vị thế của Báo QĐND.

Việc nữa không thể không nhắc tới, đó là việc Ban đại diện được BBT Báo QĐND giao nhiệm vụ thành lập các văn phòng thường trú. Những năm cuối thập kỷ 90 (thế kỷ 20) các văn phòng thường trú của báo ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột... lần lượt ra đời.

Thời gian trôi qua đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày lễ, tết ở Ban đại diện. Khu nhà số 63 Lý Tự Trọng (quận 1) và 161-163 Trần Quốc Thảo (quận 3) - nơi đặt văn phòng Ban đại diện lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Nhiều đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, quân đoàn; học viện, nhà trường; lãnh đạo TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam; các đồng nghiệp và đơn vị kết nghĩa như: Trường Sĩ quan Lục quân 2, Lữ đoàn Thông tin 596, Sư đoàn Không quân 370; Sư đoàn Phòng không 367; cơ quan đại diện Báo Công an Nhân dân, Báo Quân khu 7... đã coi Ban đại diện như mái ấm của chính mình. Đặc biệt, Ban đại diện ngày ấy không chỉ là “Mái ấm phương Nam” của bạn đọc mà còn là địa chỉ quen thuộc của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các thủ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu...; Thủ trưởng TCCT: Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Lê Hai; Đại tướng Lê Văn Dũng, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân... luôn dành cho những nhà báo chiến sĩ sự quan tâm đặc biệt.

Đại tướng Bộ trưởng Phạm Văn Trà còn tặng Ban đại diện chiếc xe U Oát (máy lạnh) để các phóng viên tác nghiệp ở địa bàn Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...

BA

Ban đại diện phía Nam Báo QĐND bước vào tuổi 40. Tôi có may mắn công tác tại đây gần 15 năm (1988-2003). Đó là thời gian và nơi thử thách, rèn luyện chúng tôi trở thành nhà báo chiến sĩ. Khó khăn không lùi bước, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, bám sát đơn vị, địa phương là cách nghĩ, cách làm của cả tập thể Ban đại diện.

Công bằng mà nói, nhận thức là một quá trình; không phải cái mới nào cũng thành công, cũng được mọi người chấp nhận. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng như khó có thể vượt qua. Nhưng đúng như các TBT: Phan Khắc Hải, Đặng Văn Nhưng, Nguyễn Quang Thống; Bí thư Đảng ủy Bùi Biên Thùy, Phạm Huy Khảo và các anh trong BBT, Đảng ủy Báo QĐND đã nói có làm thì có đúng có sai. Sai đâu sửa đó, cốt sao đừng sai về quan điểm, tất cả vì việc chung, không vụ lợi. Cũng nhờ thế, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ những nhà báo chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc về nghiệp vụ; không những hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Báo QĐND mà khi chuyển đơn vị khác còn đảm đương tốt trọng trách như các nhà báo: Hồng Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM kiêm TBT Tạp chí Nghề báo); Ngọc Niên (TBT Báo LĐ-XH); Dương Đức Nguyện (TBT Tạp chí Nông thôn mới); Nguyễn Sỹ Bình (Phó TBT Tạp chí Vietnam Logistics Revewes)...

Gần 15 năm công tác tại Ban đại diện phía Nam Báo QĐND, tôi may mắn có một người thủ trưởng luôn tin tưởng, giao việc và giúp đỡ mình. Đó là Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng - “một trong những nhà Nho còn sót lại cuối thế kỷ 20” của Báo QĐND như cách chúng tôi thường nói.

Cảm ơn Báo QĐND đã rèn luyện, bồi dưỡng chúng tôi có bản lĩnh chính trị và sức mạnh, vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ một NHÀ BÁO CHIẾN SĨ!

TPHCM, tháng 4-2017
TRẦN THẾ TUYỂN (*)
______________
(*) Đại tá, nguyên Trưởng ban Đại diện phía Nam Báo QĐND

Tin cùng chuyên mục