“Mẹ hiền” cũng muốn nghỉ ngơi

Ngay sau 2 tuần nghỉ lễ Phục sinh, thầy trò ở châu Âu lại bước vào tháng 5 tràn ngập những ngày không phải đến trường: Ngày Quốc tế Lao động, lễ Thăng thiên (Chúa lên trời), rồi lễ Hạ trần... Vậy mà Liên đoàn giáo dục ở Bỉ vẫn chọn ngày 16-5 tới để kêu gọi giáo viên đình công.

Thú thật, tôi chưa thấy ở đâu giáo viên, đặc biệt hệ mẫu giáo và tiểu học làm việc thư nhàn nhưng cũng tận tụy như ở Bỉ. Đang đà “Thứ hai là ngày đầu tuần, bé hứa cố gắng chăm ngoan”, đùng một cái thứ tư trường thông báo nghỉ học để giáo viên đình công (bù vào đó vẫn tổ chức dịch vụ trông trẻ miễn phí chu đáo). Giáo viên đình công chủ yếu vào thứ tư, là ngày trẻ em chỉ học nửa ngày. Làm nghề này thế là sướng rồi còn gì, từ giáo viên mầm non đến giáo viên trung học đều có ngày thứ tư hàng tuần chỉ “gõ đầu trẻ” đến chính ngọ là nghỉ. Chưa kể biết bao kỳ nghỉ liên tục, phân đều suốt 9 tháng giảng dạy mỗi năm. 

Nhưng tấm lòng tận tụy với nghề của họ cũng rất cảm động. Ba đứa con của tôi vào lớp mẫu giáo thứ nhất, đều qua bàn tay dạy dỗ của cô Gerda. Thỉnh thoảng nhớ ra tôi mới bỏ vào hòm thư nhà cô tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh hoặc năm mới. Còn cô Gerda cần mẫn cõng bọn trẻ nhà tôi lên lưng đi mấy vòng quanh lớp, cho chúng đội vương miện giấy trong ngày sinh nhật và thỉnh thoảng phải vác hộ mẹ con tôi những hộp bánh, chậu hoa mua ở trường về tận nhà. Có hôm, con quên cặp ở lớp, cô còn mang về tận nhà tôi lúc đã tối trời. Biết tính con trai tôi nhút nhát nên không chỉ nhắc trong mỗi lần họp cha mẹ học sinh mà giáo viên trường tiểu học còn ghi tỉ mỉ vào bảng điểm sau mỗi học kỳ “Đừng ngại hỏi bất cứ điều gì nhé. Chỗ nào nghe giảng không hiểu, bị ngã đau ở đâu cũng phải nói cho thầy cô biết. Chúng tôi đến trường là để giúp em”. Con gái lớn của tôi đang học lớp 9, thỉnh thoảng nhận được thư điện tử của giáo viên “Hôm nay thấy em có vẻ chưa hiểu bài. Sắp thi học kỳ rồi, nếu cuối buổi học tuần tới em có thể ở lại thêm một giờ cô sẽ giảng thêm cho”.

Lương giáo viên ở Bỉ hiện vào loại cao bậc nhất châu Âu. Nhận được nhiều ưu đãi cũng như tận tụy với nghề như vậy, dạy học vẫn được coi là nghề nặng nhọc. Anja đang làm tình nguyện viên cho Tổ chức Gia đình và Trẻ em mà tôi tình cờ gặp gần đây, kể: “Tôi yêu trẻ con lắm. Dạy mẫu giáo cũng là đam mê. Ấy vậy mà vào sinh nhật tuổi 50, tôi quyết định dừng lại. Ngày xưa mỗi lớp chỉ 10 - 15 em, giờ tăng lên 20. Bắt đầu cảm thấy căng thẳng dần tăng mỗi khi đến trường thì làm sao còn nói năng dịu dàng, kiên nhẫn dạy dỗ được. Tuổi ấy hưu được rồi”. Tôi nghĩ Anja quyết định đúng. Việc dạy dỗ con người luôn phải được coi là nghề nặng nhọc. Để tránh kiệt sức, các tổ chức giáo dục đang đề ra nhiều cách hỗ trợ giáo viên như lương bậc giáo dục cơ bản nên tăng và áp lực nghề nên giảm: chia nhỏ lượng học sinh mỗi lớp, tăng thêm các trợ giảng và giảm bớt núi việc giấy tờ - soạn giáo án, giáo trình.

Vì vậy, chính sách cải cách giảm tiền lương - tăng tuổi về hưu đối với giáo viên do chính phủ của Thủ tướng Michel đề ra càng khiến Nghiệp đoàn giáo viên Bỉ bức xúc. Cuộc đình công 16-5 tới chỉ là bước phản ứng khởi đầu để giáo viên muốn duy trì công việc - chỉ trồng người khi còn đầy đủ nhiệt huyết và được sống thoải mái bằng nghề.

Tin cùng chuyên mục