Mới trị phần ngọn

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa đề nghị, sắp tới khi tái bản sách, các NXB cần có công tác hiệu chỉnh, tu chỉnh và phải báo cáo lên cục, đừng hiểu sách tái bản là có thể bê nguyên bản sách cũ.
Qua thời gian, xã hội thay đổi, rất nhiều vấn đề đã khác đi, nên người làm công tác biên tập, xuất bản phải đọc, duyệt lại trước khi ấn phẩm được in. Nếu ấn phẩm có sự thay đổi nội dung thì tác phẩm phải gửi lại cơ quan quản lý, báo cáo về phần hiệu chỉnh. Cục cũng yêu cầu cần biên tập lại bản sách khi tái bản. Nếu có hiệu chỉnh, tu chỉnh nội dung, cần phải có báo cáo kèm theo.
Lý giải cho đề xuất này là sự kiện vụ tái bản cuốn sách nổi tiếng Miếng ngon Hà Nội gặp sai sót dẫn đến phải thu hồi, 2 đơn vị liên kết thực hiện nhận án phát nặng về cả về tiền bạc và hành chính. Đại diện đơn vị liên kết xuất bản thừa nhận, họ đã dùng sai bản thảo, thay vì sử dụng bản được duyệt, lại sử dụng nhầm bản không được duyệt. Như vậy, lỗi ở đây không phải ở khâu duyệt tác phẩm - khi mà NXB đã duyệt đúng, mà nằm ở khâu giám sát, kiểm tra bản thảo khi tiến hành in ấn và phát hành. Đây không phải là trường hợp đầu tiên, trước đây đã có tình trạng tác giả gửi bản thảo cho NXB để xin giấy phép xuất bản, nhưng sau khi có giấy phép mang đi in, tác giả đã tự ý lồng thêm nội dung khác vào và NXB do thiếu kiểm tra đã để tác phẩm lọt ra thị trường, gây phản ứng trong dư luận.
Tuy nhiên, với cách nộp báo cáo về việc hiệu chỉnh, nhiều chuyên gia trong giới xuất bản cho rằng, mới chỉ trị phần ngọn, khi mà báo cáo cứ nộp nhưng bản in lại không giống bản duyệt. Luật Xuất bản năm 2012 cũng đã có quy định còn chặt chẽ hơn cả việc nộp báo cáo. Cụ thể ở Điều 24 quy định NXB phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký xuất bản để tái bản các tác phẩm, tài liệu xuất bản trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945; tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm… 
Hầu hết nguyên nhân gây ra các sai phạm trong xuất bản vừa qua đều vi phạm các quy định cụ thể trong Luật Xuất bản như Điều 10, khoản 2, mục b quy định rõ, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau: Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản… Hay Điều 22, khoản 1 quy định: Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ TT-TT theo mẫu quy định. Nội dung đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản.
Như chính nhận xét của cục, lỗi sai trong các xuất bản phẩm liên quan đến trình độ của người làm công tác xuất bản chỉ chiếm một phần, đa số các sai sót được phát hiện đều có nguồn gốc từ sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của người làm công tác xuất bản. Đó được xem là lý do vì sao những NXB bị lũng đoạn bởi tư nhân, người làm xuất bản thờ ơ, buông lỏng thì tình trạng sai sót diễn ra thường xuyên, trong khi ở các NXB nghiêm túc, siết chặt quản lý, sai sót ít xảy ra hơn, nhất là những sai sót nghiêm trọng. Một trong những trọng tâm hạn chế sai sót chính là chấn chỉnh hoạt động của các NXB, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, điều mà thời gian qua bị buông lỏng.

Tin cùng chuyên mục