Phản hồi về việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò - Không khả thi

Liên quan đến bài viết “Hơn 700 tỷ đồng xây hồ điều tiết và sinh học: Có cải tạo được nước kênh Ba Bò?”, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Trong đó, đa số các nhà khoa học đều đồng thuận với ý kiến cho rằng không thể xử lý nước kênh Ba Bò bằng phương pháp hồ sinh học.

Liên quan đến bài viết “Hơn 700 tỷ đồng xây hồ điều tiết và sinh học: Có cải tạo được nước kênh Ba Bò?”, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Trong đó, đa số các nhà khoa học đều đồng thuận với ý kiến cho rằng không thể xử lý nước kênh Ba Bò bằng phương pháp hồ sinh học.

Ô nhiễm do nước thải công nghiệp

Ngày 6-11, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP tiếp tục cung cấp cho chúng tôi những chứng cứ chứng minh việc ô nhiễm nước kênh Ba Bò chủ yếu là do nước thải công nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng: Tại 3 tuyến kênh dẫn nước thải công nghiệp (tỉnh Bình Dương) và sinh hoạt (TPHCM) đổ vào kênh Ba Bò đều phát hiện có nồng độ các chất ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, kết quả khảo sát, đo đạc từ tháng 7 đến tháng 9-2009, cho thấy tuyến thoát nước số 1 (dẫn nước thải từ các doanh nghiệp thuộc KCN Sóng Thần 1) bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu DO, BOD5, COD, các chất hoạt động bề mặt, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,4 - 3 lần; tuyến thoát nước số 2 (dẫn nước thải của một số doanh nghiệp và khu dân cư, nhà trọ thuộc tổ 11 đến tổ 16 của xã Bình Hòa, tỉnh Bình Dương) bị ô nhiễm các chất DO, COD, chất hoạt động bề mặt.

Ngoài ra, đây cũng là tuyến bị ô nhiễm nặng các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Riêng tuyến thoát nước số 3 (dẫn nước thải từ KCN Sóng Thần 2) chỉ đạt tiêu chuẩn nước thải loại B, thậm chí có một số chất như chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và chất hoạt động bề mặt còn không đủ để đạt tiêu chuẩn loại B mà vượt 1,3 - 2 lần.

Trong khi đó, cũng liên quan đến chất lượng nước thải của KCN này, Trung tâm Điều hành chống ngập thành phố lại khẳng định rằng Ban giám đốc KCN Sóng Thần 1 và 2 đã cam kết nước thải sau xử lý đã đạt tiêu chuẩn loại A nên không cần xử lý.

Không dừng lại đó, kết quả khảo sát chất lượng nước thải tại 10 điểm từ thượng nguồn đến hạ nguồn kênh Ba Bò cho thấy chất lượng nước trong kênh vẫn bị ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh. Các giá trị DO, BOD5, COD, coliform đều không đạt chuẩn loại B. So với năm 2008, nồng độ các chất hữu cơ trung bình năm 2009 tăng 1,1 – 1,6 lần. Riêng nồng độ Fe tăng 2,3 - 5,6 lần.

Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, mức độ ô nhiễm cao nhất là ở phía thượng nguồn do nguồn nước thải công nghiệp từ KCN Sóng Thần 1 và 2. Do vậy, không thể nói rằng nước thải công nghiệp đã được xử lý triệt để và việc đầu tư hồ sinh học chỉ nhằm mục đích xử lý nước thải sinh hoạt.

Xử lý bằng hồ sinh học: chuyện không tưởng!

Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện Môi trường và Tài nguyên khẳng định, nếu sử dụng phương pháp hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò là chuyện không tưởng. Hồ sinh học chỉ có thể giải quyết được một phần các chất hữu cơ dễ phân hủy. Còn lại nó hoàn toàn vô hại với các chất hữu cơ khó phân hủy, đặc biệt là độ màu (mà được biết nước kênh này có đủ các loại màu được xả ra) và kim loại, hóa chất công nghiệp…

PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, với nồng độ và thành phần các chất thải ô nhiễm như nêu trên thì hồ sinh học chưa đủ để cải thiện được chất lượng nước. Cần thiết phải áp dụng thêm nhiều biện pháp xử lý kết hợp đi kèm.

Ngoài ra, liên quan đến công nghệ xử lý, TS Trần Ứng Long, Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (ECO) cho biết thêm, hiện có rất nhiều công nghệ để có thể xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, tương ứng với mỗi loại chất thải khác nhau hoặc dựa vào tỷ lệ nồng độ giữa các chất ô nhiễm trong tổng thể thành phần chất thải của nước kênh, sẽ có những công nghệ xử lý phù hợp. Riêng với thành phần nước thải vốn khá phức tạp của kênh Ba Bò như trên thì không nên chỉ áp dụng phương pháp hồ sinh học để xử lý. Ông cho rằng nếu hồ sinh học dù được xây tốt, hiện đại đến mức nào đi nữa thì cao nhất cũng chỉ có thể xử lý được chất BOD. Còn các chất thải khác như COD, kim loại, thậm chí coliform, chất hoạt tính bề mặt… không thể xử lý triệt để được.

Giáo sư Lâm Minh Triết nhấn mạnh, để xử lý được nước kênh Ba Bò đúng như mong muốn mà thành phố kỳ vọng khi quyết định đầu tư công trình này, chắc chắn đơn vị đầu tư phải tính đến giải pháp xử lý hóa lý và vi sinh kết hợp. Còn công nghệ xử lý thì hiện trên thị trường rất đa dạng, có thể tổ chức đấu thầu công nghệ để có sự lựa chọn đa dạng và hiệu quả hơn.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục