TP Hồ chí minh – Những công trình trọng điểm

Tình trạng ngập nước tại TPHCM chưa giảm: Thiếu giải pháp đồng bộ

Tình trạng ngập nước tại TPHCM chưa giảm: Thiếu giải pháp đồng bộ

Chống ngập nước là một trong 12 công trình, chương trình trọng điểm của TPHCM trong giai đoạn từ 2000 đến 2010. UBND TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN) phối hợp với các sở ban ngành khẩn trương xóa, giảm những nơi thường xuyên bị ngập. Mặc dù hàng loạt dự án nâng cấp, cải tạo và làm mới hệ thống thoát nước đầu tư hàng trăm triệu USD, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng không thể phát huy được tác dụng chống ngập, do nhiều nguyên nhân. Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc TTCN, cho biết:

Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến cống tiêu thoát nước nhằm hạn chế tình hình ngập ở một số quận nội thành. Cụ thể, đầu tư 7 công trình thoát nước trọng điểm khu vực rạch Hàng Bàng. 7 công trình này sẽ giải quyết tình trạng ngập trong khu vực, trong đó 2 điểm ngập nặng là vòng xoay Cây Gõ và Bến xe Chợ Lớn.

Ngoài ra, TTCN phối hợp một số đơn vị nạo vét 680km lòng cống và 72 tuyến kênh rạch như Hàng Bàng, Ụ Cây, Cầu Dừa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm với tổng chiều dài 15km.

Người dân trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM tát nước tràn vào nhà sau một cơn mưa. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM tát nước tràn vào nhà sau một cơn mưa. Ảnh: CAO THĂNG

TTCN cũng đã đấu nối những đoạn cống chưa liền tuyến, mở hướng thoát mới tại các điểm ngập nặng (15 vị trí), tăng cường 34 trạm bơm nước để chủ động hạn chế ngập khi có mưa to hay triều cường. Lắp đặt 50 van ngăn triều đã phát huy tác dụng ngăn triều tại các khu vực như Thảo Điền (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), quốc lộ 1 (đoạn gần cầu Bình Điền, cầu An Lập), Tuy Lý Vương (quận 8), Nguyễn Thị Thập, quốc lộ 13, Gò Dưa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Thanh Đa… và tiếp tục lắp 250 van ngăn triều tại các khu vực ngập còn lại.

- PV: Thưa ông, thời gian qua, TTCN đã xóa được bao nhiêu điểm ngập?

Ông Nguyễn Phước Thảo: Đã xóa được một số điểm ngập do mưa hoặc triều cường như đường Đặng Văn Ngữ (quận 3), Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Phạm Thế Hiển (quận 8). Một số điểm khác đã được đặt cống, nâng đường... Kể cả những biện pháp cấp bách dùng máy bơm tại nhiều điểm ngập như vòng xoay An Lạc, gần vòng xoay Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A... Hiện nay, mới có 2 trong số hàng chục tuyến đường có thể giải quyết giảm ngập là đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Đinh Tiên Hoàng vì hai tuyến này hệ thống thoát nước đã được kết nối hoàn chỉnh. Công trình thoát nước khu vực Bến xe Chợ Lớn đã hoàn thành - đây là một điểm ngập nặng trong những năm qua.

- Theo phản ánh, hiện còn rất nhiều điểm ngập nặng, trong đó có những điểm có công trình thoát nước vẫn ngập. Tại sao vậy?

Như đã nói, những biện pháp cấp bách trên dành cho trường hợp ngập cục bộ. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập kinh niên khu vực vòng xoay Cây Gõ, TTCN đã khởi công 3 công trình cải tạo hệ thống thoát nước (HTTN) đường 3 Tháng 2, cải tạo HTTN đường Minh Phụng và cải tạo HTTN đường Hùng Vương - Hoàng Lệ Kha. Tuy nhiên, công trình cải tạo HTTN đường Hùng Vương - Hoàng Lệ Kha hiện nay phải chờ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn thực hiện đảo ống cấp nước D800mm tại khu vực cầu Ông Buông để TTCN lắp đặt cống hộp thoát nước. Bên cạnh đó, TPHCM đã khởi công xây dựng dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố.

Tuy nhiên đến nay, hình nước ngập tại một số điểm này ngày càng tăng. Nhất là các vùng thuộc khu vực thường xuyên ngập tại quận 6, 11... Riêng hai dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước vẫn chưa thể phát huy tác dụng giảm ngập cho các vùng thuộc địa bàn các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Phú Nhuận... Vì thế, mùa mưa năm nay khó tránh khỏi tình trạng ngập lụt. Còn lại hầu hết những tuyến đường khác mặc dù đã lắp đặt xong cống nhưng chưa kết nối thông suốt với toàn hệ thống khác nên phải chờ. Đó là chưa kể trong quá trình thi công các dự án đã phá nhiều tuyến cống băng ngang hiện hữu, bịt các cửa xả không đảm bảo khả năng thoát nước, gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống thoát nước chung của TPHCM.

- Hầu như các dự án chống ngập hiện nay thi công rất ì ạch. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Do diện tích mặt bằng thi công nhỏ hẹp, trong khi đó nhiều nơi thi công còn phải đảm bảo cho xe cộ lưu thông. Công trình nằm dày đặc dưới mặt đất như điện lực, điện thoại, cấp nước… làm cản trở hầu hết các tuyến có công trình xây dựng cống đi qua, muốn thi công được thì phải di dời các công trình ngầm này, tốn rất nhiều thời gian chờ đợi các đơn vị trên di dời. Ngoài ra, một số nhà thầu có năng lực kém như TMEC/CHEC3 (nhà thầu Trung Quốc đang thi công gói thầu số 7 thuộc dự án vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).

- Theo ông, cần có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng ngập úng khi mùa mưa đến? 

Để giải quyết bài toán ngập trên địa bàn TP cần phải có thời gian và sự phối hợp đồng bộ của các sở ban ngành, nhất là các đơn vị có các công trình ngầm. Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 dự án khu vực rạch Hàng Bàng. Việc nạo vét mở rộng và kè bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm do Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị cũng cần triển khai sớm để tiếp nhận nước của trạm bơm Phú Lâm. Khi đó mục tiêu chống ngập cho khu vực vòng xoay Cây Gõ mới thật sự được giải quyết.

- Xin cảm ơn ông!

Quốc Hùng

TPHCM - Những công trình trọng điểm

- Biến rác thành vàng

- Xã hội hóa đầu tư - Bước đột phá

- Đại lộ Đông Tây - Con đường “tơ lụa”

Tin cùng chuyên mục