Từ loạt bài “Lập dự án để chia chác đất rừng”: Cảnh sát môi trường vào cuộc

Kết thúc loạt bài điều tra “Lập dự án để chia chác đất rừng” đăng trên Báo SGGP số ra từ ngày 4 đến 7-4, Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C.49B) Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch điều tra, xác minh làm rõ những nội dung mà bài báo phản ánh để xử lý theo pháp luật.
  • Tỉnh Kon Tum: Hàng chục tỷ đồng thất thu từ gỗ tận thu

(SGGP).- Kết thúc loạt bài điều tra “Lập dự án để chia chác đất rừng” đăng trên Báo SGGP số ra từ ngày 4 đến 7-4, Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C.49B) Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch điều tra, xác minh làm rõ những nội dung mà bài báo phản ánh để xử lý theo pháp luật.

Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng 3 (Phòng Bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản đa dạng sinh học) và C.49B, thời gian qua đã có nhiều thông tin phản ánh tình trạng nhiều cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng chủ trương của Thủ tướng cho phép chuyển đổi rừng sản xuất nghèo sang trồng cao su để hợp thức hóa việc phá hàng ngàn hécta rừng phòng hộ, rừng khoanh nuôi bảo vệ tại một số khu vực của tỉnh Đắc Lắc.

Quá trình xác minh nguồn tin trên, C.49B nhận được báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc đều không đúng thực tế, che giấu sự thật và có dấu hiệu bao che việc làm sai trái của một số cá nhân và doanh nghiệp được giao thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sản xuất nghèo sang trồng cao su.

Theo Đại tá Phan Hữu Vinh, từ thông tin của loạt bài điều tra phản ánh cho thấy mức độ phá rừng hiện nay tại tỉnh Đắc Lắc là nghiêm trọng. Lãnh đạo C.49B đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo sớm điều tra, làm rõ hành vi phá rừng của một số cá nhân và doanh nghiệp, được một số cán bộ có chức có quyền và các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Đắc Lắc tiếp tay.

Tại tỉnh Kon Tum, trong 2 năm 2010 và 2011, UBND tỉnh đã có chủ trương khảo sát và cho phép 7 doanh nghiệp thực hiện 36 dự án chuyển đổi 28.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su. Trong đó, khối lượng gỗ được cấp phép khai thác tận thu trên diện tích chuyển đổi này là 102.447m³ và 230.614 ster củi. Tuy nhiên, trong số gỗ và củi được cấp phép tận thu chỉ mới nghiệm thu 37.549m³ gỗ lớn, 132.793 ster củi, tổ chức bán đấu giá 22.000m³. Đây là số gỗ có giá trị kinh tế cao và những cây gỗ lớn, số còn lại, khoảng 64.898m³ gỗ có giá trị kinh tế thấp, gỗ nhỏ (có đường kính 40cm) và 97.821 ster củi đã được thu gom và đốt ngay tại chỗ, gây lãng phí tài nguyên rừng và ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là số tiền gần 60 tỷ đồng từ việc bán đấu giá 22.000m³ gỗ đến nay vẫn chưa được các doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước.

H.Nam - Đ.Trung

Lập dự án để chia chác đất rừng

- Bài 1: Trồng cao su trên đất rừng phòng hộ

- Bài 2: Phá rừng lấy đất… bán

- Bài 3: Phá rừng trước, lập dự án trồng cao su sau!

- Bài 4: Ai đứng sau các doanh nghiệp phá rừng?

Tin cùng chuyên mục