Nâng chất lượng giám sát, giảm bức xúc của dân

Thường trực Thành ủy TPHCM vừa triển khai một loạt các văn bản mới của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về công tác giám sát trong Đảng để áp dụng trong năm 2018. 
Bên cạnh Quy định 86-QĐ/TW (năm 2017) về giám sát trong Đảng, đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện quy định xử lý thông tin từ 4 nguồn.
Rà soát trách nhiệm từ kết quả giám sát các vấn đề dân sinh
Một điểm mới nổi bật được Ban Thường vụ Thành ủy đặt ra trong năm 2018 là phát huy vai trò của hệ thống mặt trận và các đoàn thể trong công tác giám sát. Theo đó, Thành ủy yêu cầu các cấp ủy thực hiện nghiêm túc quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ 4 nguồn (ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo; báo chí) theo Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang nhấn mạnh: “Quy định 1374 hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ và TPHCM sẽ thí điểm thực hiện, rút kinh nghiệm. Song, đây là việc làm rất quan trọng, đòi hỏi việc triển khai thực hiện có hiệu quả. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng bộ TPHCM nhằm đảm bảo giải quyết bức xúc trong nhân dân hiện nay đối với cán bộ, đảng viên”.
Lãnh đạo Thành ủy yêu cầu, khi có thông tin phản ánh đối với cá nhân, đơn vị nào thì cấp ủy nơi đó phải vào cuộc xử lý ngay và đảm bảo trong thời hạn quy định. Thành ủy sẽ lập tổ công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định này. Trước tiên sẽ theo dõi các thông tin nóng trên báo chí và xem xét các đơn vị liên quan đã tiếp nhận, xử lý ra sao. Mặt khác, Thành ủy cũng rà soát các kết quả giám sát chuyên đề của HĐND TP (về giải quyết ô nhiễm môi trường, đất đai, quy hoạch), báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của HĐND, ý kiến của mặt trận, các đoàn thể… để xem xét, đánh giá về dấu hiệu vi phạm làm căn cứ xử lý tiếp theo. Đồng chí Tất Thành Cang đánh giá, nếu thực hiện tốt quy định này, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật sẽ giảm. Không chỉ thế, còn góp phần nhân rộng những gương điển hình, tạo được không khí đoàn kết, gắn bó, đảm bảo TPHCM phát triển nhanh hơn. 
Nâng chất lượng giám sát, giảm bức xúc của dân ảnh 1 Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM yêu cầu các cấp ủy thực hiện nghiêm túc quy trình giải quyết thông tin phản ánh từ 4 nguồn, trong đó có kênh khiếu nại, tố cáo. (Trong ảnh: Lãnh đạo UBND quận 9 tiếp dân)
Giám sát trách nhiệm người đứng đầu
Theo đồng chí Đặng Minh Đạt, Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, quy định giám sát trong Đảng đã được nêu cụ thể tại Quy định 86-QĐ/TW. Qua giám sát để theo dõi, xem xét, đánh giá những công việc đang thực hiện và kịp thời tác động, từ đó có thể phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và giúp cho tổ chức đảng, đảng viên khắc phục những thiếu sót. Đồng thời, tổ chức đảng cấp trên chấn chỉnh kịp thời các hạn chế.
Đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh: “Quy định giám sát trong Đảng đã được thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng quy định mới (Quy định 86-QĐ/TW) đã bổ sung nhiều nội dung nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, công tác giám sát cần quan tâm nắm chắc tình hình, diễn biến ở cơ sở để phát huy ưu điểm kịp thời. Lấy ví dụ về nhiệm vụ thu ngân sách của ngành hải quan TPHCM năm 2017, trong những ngày cuối năm qua, khả năng hoàn thành là rất khó. Tuy nhiên, qua giám sát, làm việc cùng Cục Hải quan TP thì chỉ trong vài ngày cuối đã bứt phá ngoạn mục và thu vượt chỉ tiêu. “Câu chuyện này cho thấy tầm quan trọng của công tác giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cấp ủy cơ sở”, đồng chí Tất Thành Cang đúc kết.
Đồng chí Tất Thành Cang khẳng định, giám sát còn giúp ngăn ngừa các sai phạm và tạo sự đoàn kết, gắn bó để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, giám sát hiệu quả sẽ giúp công tác nhận xét, đánh giá cán bộ sâu sát và chính xác. Khi đó, điểm mạnh, điểm yếu được nhận diện rõ ràng. “Công tác giám sát góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Giám sát cũng góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tăng cường thực hiện giám sát trực tiếp lẫn giám sát gián tiếp”, đồng chí Tất Thành Cang yêu cầu.
Bày tỏ đồng tình với các yêu cầu trên, Tiến sĩ Lê Văn In, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM (nay là Học viện Cán bộ TPHCM), nhận xét thời gian qua, nhiều nơi người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền có sự “thỏa hiệp” dẫn đến sai phạm, như ở Đà Nẵng, Vĩnh Phú, Quảng Nam… Đến khi sự việc vỡ lỡ, không chỉ bí thư, chủ tịch cấp tỉnh bị xử lý mà các đồng chí trong cấp ủy, trong ban thường vụ đều bị liên lụy. Đây là những bài học đau đớn. Do đó, để kết quả giám sát đạt hiệu quả “phòng ngừa từ xa” thì công tác giám sát cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt giám sát trách nhiệm cấp ủy, người có chức, có quyền.
Giám sát chuyên đề về kê khai tài sản, thu nhập
Thành ủy TPHCM cũng triển khai quy định mới về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (Quy định 1342-QĐ/TU ngày 12-11-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy). Việc kiểm tra, giám sát này nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai tài sản, thu nhập; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM dự kiến thực hiện giám sát chuyên đề: Về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; về việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy trình xử lý 4 nguồn thông tin phản ánh tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm (theo Quy định 1374).

Tin cùng chuyên mục