Ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn

Ngân hàng Sacombank vừa điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng tăng thêm 0,2%, lên tương ứng 5,3%/năm và 6,2%/năm. Riêng kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4%, lên 6,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng cũng tăng nhẹ 0,1%, lên 6,9%/năm.

Trước đó, 2 ngân hàng lớn là BIDV và VietinBank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,3% - 0,5% ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại Ngân hàng BIDV có biểu lãi suất mới nhất cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng ở mức 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,8% lên 5,2%/năm, bằng với lãi suất kỳ hạn 6 tháng; từ 9 tháng trở lên lãi suất ở mức 6,9%/năm. 

Tương tự, tại Ngân hàng VietinBank, lãi suất các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng được tăng thêm, lên 5,8% - 6%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng lên 6,8%/năm. 

Trong khi đó, vào đầu tháng 11-2017, Ngân hàng Vietcombank lại điều chỉnh lãi suất huy động giảm 0,1% ở tất cả các kỳ hạn và trở thành ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trên toàn hệ thống. 

Động thái này tạo bất ngờ cho thị trường, vì thông thường vào thời điểm cuối năm, nhu cầu về vốn của nền kinh tế thường tăng rất cao. Đó cũng chính là lý do khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn. 

Lý giải việc các ngân hàng điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất đầu vào khác nhau, các chuyên gia trong ngành cho rằng sự điều chỉnh này tùy thuộc vào nhu cầu vốn của từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng tăng lãi suất là do nhu cầu vay vốn tăng vào thời điểm cuối năm. 

Ngược lại, ngân hàng giảm lãi suất có nhiều nguyên nhân: do khó cho vay hoặc room cho vay không còn nhiều; hoặc cũng có thể ngân hàng này có tốc độ huy động vốn đã tốt nên không cần hút thêm. Và thực tế cho thấy, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động của Vietcombank đã ở mức gần 17%, trong khi BIDV là 13% và VietinBank chỉ 11%.

Tin cùng chuyên mục