Người viết trẻ thử sức với đề tài văn học thời chiến

Bên cạnh dòng văn học thị trường ăn khách, không ít tác giả trẻ thế hệ 9X đang chọn dấn thân vào mảng đề tài vừa nghe đã khiến người đọc ngần ngại: chiến tranh!   
Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh không chỉ khó cho người viết trẻ mà còn chưa thu hút độc giả cùng trang lứa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tác phẩm viết về đề tài chiến tranh không chỉ khó cho người viết trẻ mà còn chưa thu hút độc giả cùng trang lứa. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nối tiếp

Lực lượng nhà văn, nhà thơ lấy chiến tranh làm đề tài được các nhà nghiên cứu tạm chia thành 3 lớp: Một là, những tác giả trực tiếp tham gia chiến tranh, xem việc viết như một sứ mệnh, như: Giang Nam, Nguyễn Huy Tưởng, Anh Đức, Phạm Sỹ Sáu...; hai là, các nhà văn thời hậu chiến từ năm 1975 - 2000, với những cái tên tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Bảo Ninh, Phong Điệp…; ba là, các nhà văn từ năm 2000 đến nay.

 Lứa thứ ba này cũng được tạm tách thành 2 nhóm: Một nhóm gồm những cái tên thuộc thế hệ 7X, đã ghi dấu ấn và là lực lượng sung sức nhất của văn học đương đại như Nguyễn Bình Phương, Uông Triều, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy…; nhóm còn lại là nhóm tác giả 8X, 9X với đầy dấu ấn công nghệ và mạng xã hội như Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Võ Thu Hương, Huỳnh Trọng Khang…

Nếu như thế hệ đầu xem việc viết là để “giữ lại tất cả những ký ức, những trải nghiệm trong cuộc chiến” thì các thế hệ sau, nhờ độ lùi của thời gian, họ xem chiến tranh như một cái cớ để viết, để “đào sâu”. Thế hệ sau viết với tâm thế đứng ngoài cuộc chiến, từ đó có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn để viết, để lột tả chiến tranh. Nếu lớp nhà văn thứ hai và lứa đầu thứ ba đi vào khai thác đề tài hậu chiến, những vết thương tinh thần, di chứng do chiến tranh để lại thì lứa 8X, 9X mạnh dạn lấy chiến tranh làm tấm gương, phản chiếu hiện thực và tương lai. 

“Tôi quan tâm tới đề tài chiến tranh nhưng đủ tỉnh táo để không viết trực diện như cách các nhà văn tiền bối đã làm. Điều đó là dại dột và liều lĩnh. Trong hầu hết các tác phẩm, tôi chỉ xem chiến tranh là một thành tố cấu thành tác phẩm, là mảnh ghép của bức tranh toàn cảnh, phản ánh nó dưới dạng tác động của quá khứ đối với hiện tại và tương lai. Tôi luôn nhắc mình phải viết khác đi. Khác ngay với chính tôi ở những tác phẩm trước đó”, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, tác giả của Con chim Joong bay từ A đến Z, bày tỏ. 

Có thể thấy, nổi bật lên trong sáng tác của các nhà văn trẻ là cảm thức hoài nghi, thậm chí phê phán chiến tranh. Đó là tâm trạng của những người chứng kiến bi kịch dai dẳng thời hậu chiến. Họ tự do hơn trong cách biểu đạt suy nghĩ, cảm nhận, góc nhìn của họ về cuộc chiến.

“Chiến tranh chỉ là nguyên cớ cho những câu chuyện khác. Ngày cả khi thể hiện chiến tranh, lớp men sử thi cũng đã được gột đi, trả hiện tượng về đời sống thế tục. Rất hiếm hoi có những khẩu hiệu, những lời tuyên thệ, ý chí sắt máu trong: Đợi đến lượt (Đinh Phương), Mộ phần tuổi trẻ (Huỳnh Trọng Khang), hay trong hy vọng mong manh, diệu kỳ gợi lên từ một bông súng đỏ: Ngụ ngôn tháng tư, Trần Thị Tú Ngọc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm nhận định. 

Mạch ngầm không dứt

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm, 2 thách thức mà nhà văn trẻ phải đối mặt khi chọn đề tài chiến tranh là: thoát khỏi ám ảnh của những tác phẩm đã đóng đinh vào lịch sử văn học thời chiến, kiến tạo bản sắc của thế hệ. Và rõ ràng, xét trên phương diện này, vẫn chưa có bứt phá nào ngoạn mục. Các tác phẩm vừa liệt kê của những tác giả trẻ chỉ tạo thành dòng chảy âm thầm, chưa đủ mạnh mẽ lôi cuốn sự chú ý của đông đảo người đọc. Sự rầm rộ của Mộ phần tuổi trẻ của cây bút sinh năm 1994, đáng tiếc thay lại tập trung vào những chi tiết chưa khớp với lịch sử. 

Lý do chọn đề tài vừa khó vừa thách thức, nói như Huỳnh Trọng Khang, đơn giản là “không chạy theo số đông”. Nhưng sâu xa hơn, là tâm thức của những người ở thế hệ hiện đại, muốn giải đáp những thắc mắc về lịch sử, về gia đình, về thân phận con người bằng góc nhìn của riêng mình. “Chiến tranh vẫn là vùng hiện thực hấp dẫn các cây bút”, nhà văn Sương Nguyệt Minh khẳng định.  

“Đề tài chiến tranh trong văn học không bao giờ là cổ hủ khi con người hàng ngày vẫn phải đương đầu với thật giả lẫn lộn, khi hành tinh này vẫn đầy bất trắc…”, nhà văn Chu Lai chia sẻ. Viết về chiến tranh cần sự chiêm nghiệm, độ lắng cần thiết. Đó là lý do hầu hết các cây bút được đánh giá là trẻ đều đã bước qua tuổi 30. 

Ở góc độ của người tiếp cận, chính tác phẩm của những cây bút trẻ xông xáo này sẽ đến gần hơn với độc giả, cũng là những người trẻ tuổi, bởi góc nhìn, suy nghĩ của họ dễ tạo được sự đồng cảm. Nhà văn Chu Lai bày tỏ niềm tin: “Độc giả sẽ không bao giờ quay lưng với mảng đề tài này, bởi nó là giọt dung dịch mạnh nhỏ xuống chiến hào. Cái tốt cái xấu, cái thiện cái ác, cao thượng - thấp hèn…, tất cả sẽ hiện lên hết màu, hết nét. Vấn đề là anh khai thác nó như thế nào để không sáo mòn, cũ kỹ”.

Tin cùng chuyên mục