Nhiều địa phương vẫn lơ là trong phòng chống sốt xuất huyết

Chiều 19-7, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP và 24 quận, huyện về tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giám sát tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại quận Bình Tân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giám sát tình hình phòng chống sốt xuất huyết tại quận Bình Tân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp, chu kỳ dịch thay đổi bất thường, xuất hiện nhiều ổ dịch với số bệnh nhân tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có một số quận, huyện có số bệnh nhân mắc SXH tăng hơn 50% như: quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân,… và có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, ngành Y tế TP đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc SXH tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; tuần qua, ghi nhận có gần 500 ca nhập viện do SXH tăng 23% so với 4 tuần trước và tính từ đầu năm đến nay đã có 3 ca tử vong do SXH.

Tại buổi làm việc, nhiều địa phương cho biết công tác chống SXH còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi đặc thù là cơ hội cho việc sinh sản của muỗi.

Theo đại diện UBND quận 12, mặc dù quận đã ra sức kêu gọi người dân tham gia phòng chống dịch nhưng vẫn gặp khó, bởi địa bàn rộng, người dân ngụ cư nhiều, đặc biệt là tại phường Hiệp Thành - nơi được xác định là điểm nguy cơ bệnh sốt xuất huyết và Zika nhiều năm qua. Phường này có gần 100.000 dân, trong đó gần 70% là nhập cư, công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn. Tại đây cũng có nhiều hộ kinh doanh buôn bán ve chai, chất vật liệu, phế thải nhiều, nên mỗi khi mưa xuống, các vật chứa này tích tụ nước mưa, là cơ hội cho lăng quăng phát triển.

Hoặc tại quận Tân phú có 40 công trình xây dựng đang dang dở, tồn tại nước mưa, ngoài ra, còn có rất nhiều điểm mộ được người dân bốc chuyển nên nước tích tự nhiên nhiều, xuất hiện các ổ dịch lăng quăng.

Một số địa bàn như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh là những điểm nóng của SXH hiện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng ý thức người dân lại còn rất hạn chế. Một số nơi có nhiều bãi đất trống, chưa được xây dựng, người dân lại vứt các vật chứa nước; nhiều nơi lại tận dụng nuôi gà, vịt, để các hũ đựng nước, thức ăn chứa nước mưa, tạo cơ hội cho muỗi sinh nở lăng quăng. Nhiều địa phương cũng đã thực hiện xử phạt vi phạm để tồn tại ổ lăng quăng.

Nhiều địa phương vẫn lơ là trong phòng chống sốt xuất huyết ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bệnh nhân mắc SXH  đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Nhận định về tình hình bệnh dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, năm nay dịch SXH xuất hiện sớm hơn với các ca mắc ngày càng nhiều và dự báo dịch còn tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, năm nay tại TPHCM và khu vực miền Nam, số ca mắc SXH tuýp 2 tăng cao hơn hẳn so với năm trước nên xuất hiện nhiều ca nặng.

Để có thể hạn chế tình hình bệnh lây lan và bùng phát mạnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, ngành y tế cần tuyên truyền cho các hộ gia đình, mỗi người dân có ý thức đổ bỏ nước đọng trong các vật dụng gia đình, dọn vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở, diệt lăng quang nhằm hạn chế phát sinh ổ dịch; đổi mới cách thức truyền thông phòng chống dịch. Bên cạnh đó, rà soát lại việc kiểm soát lăng quăng ở tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn TP; Về vấn đề điều trị, Thứ trưởng Long cũng đề nghị lãnh đạo Sở Y tế và các bệnh viện phải có biện pháp để vừa giảm tỷ lệ tử vong SXH, vừa đảm bảo giảm được tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã kiểm tra đột xuất tại một số điểm nóng, liên ổ dịch SXH đang diễn biến phức tạp tại huyện Bình Chánh và quận Bình Tân - nơi hiện đang có một ổ dịch khiến 11 người mắc bệnh và nhập viện điều trị, thăm hỏi các bệnh nhân đang điều trị SXH tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Tin cùng chuyên mục