Những người giữ hồn văn hóa dân gian

Họ là những “báu vật nhân văn sống” (theo cách gọi của UNESCO), là những nhân tố trực tiếp bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Với tiếng đờn, giọng ca của mình họ từng ngày vẫn lưu giữ những nét đẹp tinh túy, độc đáo của văn hóa truyền thống dân gian Việt Nam và âm thầm truyền lửa nghề cho nhiều thế hệ trẻ. Họ là những nghệ nhân dân gian.
Những người giữ hồn văn hóa dân gian

Họ là những “báu vật nhân văn sống” (theo cách gọi của UNESCO), là những nhân tố trực tiếp bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Với tiếng đờn, giọng ca của mình họ từng ngày vẫn lưu giữ những nét đẹp tinh túy, độc đáo của văn hóa truyền thống dân gian Việt Nam và âm thầm truyền lửa nghề cho nhiều thế hệ trẻ. Họ là những nghệ nhân dân gian.

  • Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ: Máu tài tử đã sẵn trong người

Sinh ra ở miền Tây Nam bộ, không biết có phải do ảnh hưởng của “con nhà nòi” hay không mà mới hơn 10 tuổi, cô bé Huỳnh Thị Huệ đã có máu mê đờn ca tài tử. Là con gái duy nhất của đôi vợ chồng nghệ sĩ Sáu Tửng – Kim Liên, từ nhỏ Bạch Huệ phải sống cùng với ngoại vì ba mẹ thường xuyên xa nhà theo đoàn hát. Trời vừa chập tối, hễ nghe thấy tiếng đờn tửng từng tưng ngoài đầu xóm của các “chiếu” đờn ca tài tử cất lên là cô lẻn ra, ngay lập tức góp mặt. “Không biết bao lần bà ngoại phải… xách roi đi kiếm tôi về, bởi ca say sưa quá đâu còn biết khuya sớm gì. Mà nói vậy chứ chẳng cần tìm đâu xa, cứ theo mấy đám đờn ca là có tôi hà”, bà Bạch Huệ nhớ lại.

Từ năm 13 tuổi, bà đã thuộc lòng bài vọng cổ 16 nhịp, năm 15 tuổi bà hầu như có mặt khắp các “chiếu” tài tử ở vùng sông nước Cần Thơ… Theo cha mẹ lên Sài Gòn, nghệ nhân Bạch Huệ tá túc ở nhà một người bà con ở quận 4. Trời xui đất khiến thế nào, ở đây bà lại gặp nhóm đờn ca tài tử của cô Kim Cúc (Tư Long Sơn). Vậy là, hễ nơi nào có tiệc tùng, đình đám gì là nhóm đờn ca tài tử của bà đều có mặt…

Khoảng năm 1950-1951, bà cùng nghệ sĩ Thành Công được độc giả của tờ báo Tiếng Dội bình chọn là Đệ nhất danh ca lúc bấy giờ. Giới nghệ sĩ biết đến bà nhiều hơn, các hãng đĩa tìm đến ký hợp đồng với bà, giọng ca của bà được phát liên tục trên các đài phát thanh…

Sau năm 1975, bà về giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc TPHCM. Năm 1990, bà được mời giảng dạy lớp nâng cao nghệ thuật Tài tử cải lương cho các học viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TPHCM). Hiện bà được mời cố vấn cho CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TPHCM.

Hàng chục năm cống hiến cho bộ môn tài tử cải lương, bà đã hướng dẫn cho rất nhiều bạn trẻ đến với bộ môn nghệ thuật này. Dù tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy, giao lưu biểu diễn nghệ thuật tài tử không chỉ các quận huyện ở TPHCM mà còn khắp các tỉnh, thành...

  • Nghệ nhân dân gian Phạm Công Tỵ: Hết mình truyền lửa đam mê

Trong số những nghệ nhân dân gian ở TPHCM, ông Phạm Công Tỵ (Út Tỵ) hiện đang sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, là một trong những người trẻ nhất, tuy nhiên, những đóng góp của ông trong lĩnh vực nhạc lễ và đờn ca tài tử thì không nhỏ chút nào.

Mới 12-13 tuổi, ông đã theo cha tham gia đội nhạc lễ (cha ông là nghệ sĩ Sáu Đờn nổi tiếng với cây đờn cò). Từ các buổi lễ cúng miễu, đình, chùa đến những gia đình có tang chế, ông và đội nhạc lễ đều có mặt. Mới đầu, ông chỉ nghĩ đây là một cách mưu sinh, không ngờ ông đâm mê rồi “kết duyên” với các ngón đờn từ lúc nào không hay. Không chỉ học rất nhanh ngón nghề đờn cò của người cha truyền dạy, ông Út Tỵ còn say mê và theo học lóm đờn kìm, đờn gáo…

Năm 1988, tại liên hoan nhạc lễ toàn quốc, Câu lạc bộ nhạc lễ của Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn đã đoạt huy chương vàng. Như được tiếp thêm sức mạnh, năm 1989, Trung tâm thành lập thêm CLB đờn ca tài tử và ông Út Tỵ tiếp tục là thành viên nòng cốt trong hầu hết các phong trào.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Hóc Môn cho hay: “Thông thường các anh em trong CLB sinh hoạt vào ngày chủ nhật nhưng mỗi khi có việc gì cần kíp, chỉ cần gọi một tiếng là Út Tỵ có mặt ngay. Lòng đam mê của chú ấy đã giúp sức rất nhiều cho sự phát triển phong trào đờn ca tài tử ở địa phương”.

CLB thành lập, các nghệ sĩ và những người yêu mến nghệ thuật tài tử cải lương đã có thêm một sân chơi thiết thực, hữu ích. Anh Trương Văn Cơ, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn hồ hởi: “CLB còn thu hút cả những người yêu thích tài tử cải lương từ huyện Đức Hòa (Long An), từ Lái Thiêu, Thuận An (Bình Dương) cũng về đây tham gia giao lưu”.

Tâm sự về nghề, ngoài niềm vui với phong trào ở địa phương ngày càng phát triển và an tâm vì đã có hai con trai nối nghiệp ông theo nhạc lễ, ông Út Tỵ cũng không ít trăn trở, bởi theo ông: “Hiện nay, nhạc lễ truyền thống đang dần mai một. Dễ thấy nhất là ở những đám tang, lễ cúng tế, người ta “biến tấu” nhạc lễ rất vô tư, thậm chí có nhóm còn mang cả cây organ… để chơi nhạc lễ”.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục