Nữ bác sĩ của buôn làng

Hạt giống đỏ của núi rừng
Nữ bác sĩ của buôn làng

Từ nhiều năm nay, có một cái tên gắn liền với sự yêu thương, trìu mến của người dân vùng núi  Bác Ái. Đó là Mấu Thị Bích Phanh, một người đã gắn gần hết cuộc đời của mình cho cuộc sống ấm no của cộng đồng, của làng trên, núi dưới. Người mà đồng bào RagLai huyện Bác Ái (Ninh Thuận) trìu mến gọi là nữ bác sĩ của buôn làng.

Hạt giống đỏ của núi rừng

Nữ bác sĩ của buôn làng ảnh 1

Bà Mấu Thị Bích Phanh đang nói chuyện về sử thi RagLai.

Năm 12 tuổi, cô bé Mấu Thị Bích Phanh được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập để sau này trở về xây dựng quê hương. Đó là năm 1959.

Suốt những năm tháng học tập ở miền Bắc XHCN, cô bé luôn nhớ mãi lời nhắn nhủ của bà con làng MaTy nói với cô: “Ôi Rin! (tên thuở nhỏ của Bích Phanh) cố lên con nhé. Dân mình còn cực lắm, ráng học lấy cái chữ của Bok Hồ về giúp dân nghe con”. Lời dạy đó đã đi theo Bích Phanh suốt gần 20 năm đi xa.

Thời gian qua lâu nhưng bà Bích Phanh vẫn nhớ, hết thời gian học phổ thông, bà vào học Trường ĐH Y Bắc Thái. Sở dĩ bà chọn ngành y là vì ở quê nhà, đồng bào bà còn nhiều hủ tục lắm, suốt những tháng năm giặc Pháp chiếm đóng buôn làng, bà con nào biết thuốc men là gì, cứ có bệnh là đem đến thầy mo cúng Giàng thôi. Vì thế, bà quyết tâm học thật giỏi để trở thành bác sĩ, trở về chữa bệnh cho dân làng.

Về quê hương những ngày đầu sau giải phóng với biết bao bộn bề gian khổ, nhưng với tấm lòng của một thầy thuốc, bà lặn lội đi hết làng trên, bản dưới để hướng dẫn cho bà con cách ăn, cách ở.

Bác Ái những ngày đầu sau giải phóng đường đi hãy còn khó khăn lắm, toàn phải băng rừng mà đi. Có nơi phải đi bộ cả ngày trời mới đến được với bà con, vậy mà bà cũng chẳng nề hà gì, cứ băng rừng, lội suối. Hễ có ca nào cần kíp là bà lại xách túi thuốc lên đường.

Có những ca đẻ khó mà nếu như không có bà thì mẹ con sản phụ chắc khó lòng qua nổi. Cứ như thế, bà cặm cụi làm công việc chuyên môn dù vất vả đến bao nhiêu đi nữa và dù ở trong cương vị nào, từ bác sĩ điều trị, trưởng phân viện rồi trưởng phòng y tế hay là giám đốc Trung tâm y tế huyện và sau này là Phó Chủ tịch huyện Bác Ái, bao giờ bà cũng hết lòng chăm lo cho đồng bào của mình.

Trong nhà bà bao giờ cũng có một tủ thuốc: “Mình khám bệnh miễn phí cho bà con, phát thuốc cho họ. Ai có tiền thì trả còn chưa có thì khi nào đưa cũng được, đó là thuốc của bà con mà, mình có điều kiện thì đi lấy giùm họ thôi. Đồng bào mình còn nghèo lắm”. Một câu nói đầy ân tình với quê hương xứ sở, với rừng núi quê hương.

Cũng vì nặng lòng với bà con cho nên năm 1982, khi bà làm Phân viện trưởng Phân viện Bác Ái (lúc đó chưa tách huyện) bà đã mang theo đứa con còn nhỏ lên ở cùng để tiện việc công tác và cháu bé đã chết vì bị lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân. Nén nỗi đau vào lòng, bà vẫn tiếp tục phục vụ bà con.

Trong suốt cuộc đời đi làm cách mạng của mình, bà không bao giờ quên lời dặn của Bác Hồ, bà kể: “Năm 1963, mình được chọn trong đoàn nhân dân thủ đô đi đón Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ tại sân bay Gia Lâm. Thấy mình trong đội tặng hoa, lại mặc đồ dân tộc, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ hỏi Bác: Cô gái này là người dân tộc nào? Bác trả lời: Đây là con em một gia đình có công với cách mạng, là một hạt giống đỏ của Tây Nguyên! Sau đó Bác cho gọi mình đến thăm và xoa đầu khuyên: Cháu cố gắng học cho tốt nhé! Sau này miền Nam được giải phóng sẽ về phục vụ cho bà con của mình”.

Bà nói, chính lời dạy đó của Bác là một động lực giúp bà vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi bà đang còn là đại biểu Quốc hội khóa 8, bà đã kiến nghị đưa vào Hiến pháp 1992: điều “Nhà nước quan tâm đầu tư chăm sóc sức khỏe cho các dân tộc thiểu số miền núi” được các đại biểu đồng tình và Quốc hội thông qua.

Nhà ngôn ngữ học bẩm sinh

Nữ bác sĩ của buôn làng ảnh 2

Tác giả (bìa trái) và gia đình bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh.

Càng thao thức với nỗi khó nghèo của quê nhà bao nhiêu, bà càng trăn trở trước việc những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là ngôn ngữ của người RagLai ngày càng bị mai một.

Vì thế, khi Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Thuận làm chương trình phát thanh tiếng dân tộc RagLai, bà không ngần ngại nhận lời khi được mời làm phát thanh viên cho chương trình, cho dù công việc phó chủ tịch của một huyện mới tách vô cùng bận rộn.

Phải biên dịch, phải đọc sao cho chuẩn xác để bà con mình hiểu đã là một công việc vất vả, bà còn có “tham vọng” là phải RagLai hóa tối đa những từ trước đây đã vay mượn từ tiếng Kinh, chính công việc đó khiến bà đã vất vả càng vất vả hơn.

“Bắt tay vào học hỏi, nghiên cứu ngôn ngữ thật hấp dẫn. Và càng thêm yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình hơn”, bà nói. Rồi, bà day dứt khi thấy tiếng RagLai vẫn chưa có chữ viết.

Vậy là mày mò, học hỏi từ những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, bà đã sử dụng mẫu tự La tinh để tạo chữ viết cho việc biên soạn chữ RagLai. Việc này đã được các nhà chuyên môn ở Viện Ngôn ngữ học ủng hộ, cùng tham gia trong những năm gần đây. “Đó là một nhà ngôn ngữ học bẩm sinh!”, ông Thập Liên Trưởng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Chăm đã nói về bà như thế. Vài năm gần đây, bên cạnh việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết và sản nghiệp văn hóa truyền thống của tổ tiên xưa, bà còn tranh thủ quỹ thời gian vốn đã hạn chế của mình, để đứng lớp dạy tiếng RagLai cho các cán bộ, chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang, giáo viên trong tỉnh… Lặn lội đến các buôn làng xa xôi để sưu tầm, nghiên cứu sử thi RagLai.

Trên tấm bảng dùng để dạy học ở nhà, chúng tôi thấy có ghi nhiều thành ngữ, nhiều từ RagLai khá hay và hiện đại. Bà luôn sưu tầm những từ mới, những thành ngữ mới để đáp ứng nhu cầu chuyển tải tri thức ngày càng cao giữa người RagLai và xã hội. Đã bước vào tuổi 60, nhưng trông bà hãy còn khỏe mạnh lắm, đó là vì: “Lo cho việc chung mình luôn thấy sướng lòng, không khổ tâm là người trốn nợ với bà con làng nước”, bà trả lời khi nghe chúng tôi khen, trong tiếng cười sảng khoái.

Ngước nhìn dãy núi sừng sững in bóng trước sân nhà, bà nói với chúng tôi rằng: “Hãy gọi đó là núi Ta Na chứ đừng gọi là Tà Năng như bấy lâu nay mọi người vẫn gọi. Với người RagLai, gọi đúng tên một con suối, một buôn làng hay tên một ngọn núi thì người RagLai rất ưng cái bụng”.

Và với cái tâm còn nóng bỏng với nền văn hóa của ông bà tiên tổ, cho dù bây giờ tuổi cũng đã khá cao, nhưng chúng tôi tin rằng bà rất hạnh phúc khi vẫn còn làm được những điều có ích cho buôn làng của mình, đúng như lời Bác Hồ đã dặn dò bà năm xưa.

Hoàng Công Tâm

Tin cùng chuyên mục