Ô nhiễm môi trường vẫn… nóng

Ngày 5-5, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị trao đổi về tình hình thực hiện quản lý rác thải đô thị trên địa bàn thành phố. 
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đã đến mức đáng lo ngại. Do vậy, xây dựng giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu vấn đề này trong thời gian tới là rất cấp thiết. 

Nhiều nguồn ô nhiễm chưa được kiểm soát

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TPHCM cho biết, kết quả khảo sát vừa qua của Ban Đô thị cho thấy, chất lượng nước mặt sông Sài Gòn - Đồng Nai bị ô nhiễm, các chỉ tiêu TSS, DO, Coliform… không đạt quy chuẩn cho phép. Nước hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có chất lượng tốt nhất trong 5 hệ thống kênh, các hệ thống còn lại (Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Vàm Thuật, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ) vẫn bị ô nhiễm nặng.
Hiện trung bình mỗi ngày, môi trường TP tiếp nhận 2,75 triệu m­³ nước thải/ngày. Trong khi đó, chỉ mới xây dựng được 1/12 nhà máy với tổng công suất xử lý 13,2% tổng lượng nước thải. Còn nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ giao thông, sinh hoạt khu dân cư và tiếng ồn từ hoạt động xây dựng chưa kiểm soát được. 

Một điểm nóng khác về chất lượng môi trường là chất thải sinh hoạt. Từ khâu chủ nguồn thải đến hoạt động thu gom, xử lý đều tồn tại nhiều hạn chế. Tổng lượng rác phát sinh là 8.300 tấn/ngày và không được phân loại. Các chủ nguồn thải là hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, y tế, thương mại… dù đã được tuyên truyền thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng hiệu quả thực hiện kém. Công tác thu gom cũng thiếu đồng bộ từ trang thiết bị đến quy cách thu gom.
Tại nhiều khu vực, người dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn nhưng lực lượng thu gom vẫn tiến hành thu gom chung, gây tâm lý tiêu cực trong cộng đồng. 
Ô nhiễm môi trường vẫn… nóng ảnh 1 Thu gom rác dân lập trên đường Phạm Văn Xảo, quận Tân Phú, TPHCM
Ảnh: KIM NGÂN
Hiện nay, các công ty dịch vụ công ích chỉ thu gom 40% lượng chất thải phát sinh; còn lại phụ thuộc vào lực lượng rác dân lập. Lực lượng này lại chưa có sự quản lý từ cơ quan chức năng nên phát sinh ô nhiễm thứ cấp trong quá trình thu gom. Rác thải sinh hoạt sau thu gom được tập trung về khoảng 1.000 điểm tập kết rác xen cài trong khu dân cư. Tuy nhiên, do các điểm tập kết rác không được đầu tư hạ tầng cần thiết để tiếp nhận, lưu giữ rác tạm thời hợp vệ sinh, nên mức độ ô nhiễm của các điểm tập kết rác rất nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng đến cuộc sống người dân. Khâu xử lý rác, chủ yếu là chôn lấp, chưa có xử lý tiên tiến. Nước rỉ rác thu gom và xử lý nhưng rất khó để kiểm soát. Khối lượng chất thải rắn vượt quá công suất tại bãi tiếp nhận. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tái chế từ rác chưa cao nên rất khó tiêu thụ sản phẩm tái chế.
Nhiều nhà đầu tư đã kiến nghị đầu tư nhà máy đốt rác nhưng thủ tục nhiêu khê. Riêng khu xử lý rác Đa Phước đang tiếp nhận 5.000 tấn/ngày. Trong đó có 2.000 tấn tiếp nhận từ Phước Hiệp. Tuy nhiên, tại bãi chôn lấp này hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải hữu cơ, chưa có hệ thống quan trắc tự động theo quy định và tình trạng phát sinh mùi hôi quá mức thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng người dân khu Nam TPHCM. 

Tiến tới tái chế rác

Ông Lê Văn Khoa, Trưởng Bộ môn Môi trường, Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, tổn thất do ô nhiễm môi trường là 5% GDP hàng năm. Năm 2016, ngân sách tiêu tốn khoảng 225.000 tỷ đồng cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới nếu những giải pháp cải thiện môi trường không được tính toán cẩn thận. Trước hết, TP cần phải tính lại việc tập trung rác thải về khu vực phía Nam. Không nên dồn rác tập trung về một điểm sẽ tăng chi phí vận chuyển. Hạ tầng giao thông dẫn về khu xử lý rác Đa Phước cũng không đủ khả năng đảm bảo tải cho lượng xe và rác di chuyển về đây. Hơn nữa, việc vận chuyển rác xuyên tâm thành phố sẽ gây ra những ô nhiễm thứ cấp về mùi hôi và nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển.
TPHCM đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xử lý rác bằng biện pháp đốt nhằm giảm thiểu lượng rác tái chế. Giải pháp này giúp giảm lượng rác chôn lấp, giảm áp lực tìm kiếm diện tích đất tại TP. Tuy nhiên, cần phải tính toán hết những rủi ro ô nhiễm phát sinh từ hoạt động này như phát sinh khí thải độc hại dioxin, furan, tro thải chứa kim loại nặng độc hại…  
Ô nhiễm môi trường vẫn… nóng ảnh 2 Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn tiểu thương chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM) cách thức phân loại rác tại nguồn. Ảnh: ÁI VÂN
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường kiên trì kiến nghị TP phải mở lại bãi rác Phước Hiệp để giảm tải ô nhiễm cho khu vực phía Nam. Ngoài ra, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xử lý bùn thải, tránh tình trạng hiện chỉ có 1 nhà máy xử lý bùn thải, không đảm bảo công suất tiếp nhận. Quan trọng hơn, cần có quỹ đất bố trí trong quy hoạch, vận hành hạ tầng xử lý môi trường; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhất là phải tính toán đầy đủ chi phí vận hành, tái đầu tư hạ tầng môi trường để có kế hoạch tài chính phù hợp. 
Ông Trương Trung Kiên cho rằng, để thực hiện hiệu quả giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, cần tích hợp giữa các đề án, đồ án quy hoạch ngành liên quan đến bảo vệ môi trường với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo đáp ứng yêu cầu về vị trí, quy mô xây dựng các cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường. Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, phải có sự phối hợp cơ quan chức năng với tổ chức đoàn thể để huy động nhiều nguồn lực tham gia. Về lâu dài, TP cần xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, sản xuất tiêu dùng bền vững; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức  bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp; kết hợp thiết lập hệ thống quan trắc tự động nước mặt, nước ngầm, không khí, tiếng ồn, bãi chôn lấp, khu chế xuất, khu công nghiệp có kết nối với cơ quan chức năng. Cuối cùng là đưa ra chỉ tiêu quy định tỷ lệ rác thải xử lý bằng biện pháp chôn lấp chỉ 20% vào năm 2020, số còn lại phải được tái chế.

Tin cùng chuyên mục