“Ốc đảo” bên sông Liêng

“Ốc đảo” bên sông Liêng

Mùa mưa lũ, sông Liêng - đầu nguồn sông Vệ (Quảng Ngãi) - nước dâng cao, chảy cuồn cuộn đã chia cắt, cô lập, vùng Tân Long Trung (thuộc xã Ba Động, huyện miền núi Ba Tơ). Lũ trẻ muốn về khu vực trung tâm xã để học, dân làng muốn bán mớ rau... đành xuống đò vượt sông trong nỗi phập phồng…

  • Những ngày mưa lũ
“Ốc đảo” bên sông Liêng ảnh 1

Em Nguyễn Thị Tâm và Hồ Thị Luyến đang theo đò sang sông qua khu vực trung tâm xã Ba Động để học.

Hôm bão số 8 học sinh ở Tân Long Trung phải nghỉ học cả tuần, rồi đến đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa, nước dâng cao, lại phải nghỉ học. Nghỉ học và học bù trở thành chuyện thường ngày của những đứa trẻ ở đây. Chị Huỳnh Thị Hoa nhà ở đầu thôn nói: “Mùa mưa lũ, nước dâng cao, mỗi lần lũ trẻ xuống đò vượt sông Liêng qua trường ở khu vực trung tâm xã là cả làng phập phồng, mọi người kéo nhau ra bến sông, chờ cho con đò nhỏ qua đến bờ bên kia rồi mới trở về nhà”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Trường tiểu học Ba Động, nói: “Làng cũng chỉ một bến sông, một con đò. Mùa mưa lũ, nếu mình cũng qua bên kia sông ở trọ như đám học trò thì chuyện nhà lấy ai trông coi. Còn ở bên này thì nhiều hôm không đi dạy được”.

Nhiều năm rồi, cứ đến mùa mưa lũ là nhà nhà lo đi xay xát gạo, mua mắm muối dự trữ phòng khi lũ dâng cao. Thế nhưng, năm 1999, những đợt lũ tiếp nhau, nên gạo mắm chẳng còn, đành trở lại cái thời xa lơ, xa lắc là giã gạo bằng chày theo từng bữa. Những mớ rau, buồng chuối trồng được trong mùa mưa lũ cũng đành bỏ nơi góc nhà - bởi không qua sông đến được chợ làm sao mà mua bán. Song hết gạo thì giã lúa bằng chày, thiếu mắm thì còn muối, chứ chuyện đau ốm thì khó quá.

Cách đây không lâu, khi con nước sông Liêng dâng cao, nửa đêm anh Hồ Hia bị đau dữ dội. Bà con chòm xóm thấy vậy đến bày những bài thuốc dân gian. Họ làm nhiều cách nhưng không khỏi nên đành đến nhờ người lái đò, chống sào sang sông. Con đò qua sông ban đêm trong ánh đuốc phập phù, phía trên là người đau, còn dưới sông có 3 thanh niên vừa bơi vừa đẩy. Anh Nguyễn Hữu Thọ bơi đẩy con thuyền trong đêm đó, kể: “Lúc đưa thằng Hia qua sông, thấy nó đau quá, tụi mình cố sức bơi đẩy. Đến khi đưa nó vào bờ rồi thì ngoảnh lại thấy nước chảy quá xiết nên chẳng dám quay thuyền trở về nữa”.

  • Bao giờ cầu lại bắc sang...

Ở Tân Long Trung có một gia đình đã 4 đời chèo đò đưa khách sang sông. Ông Thới Tô vừa chống sào vừa kể: “Hồi trước cha tôi - ông Thới Miên - chèo đò, rồi đến chị ruột của tôi là bà Thới Thị Đề, sau đó đến chị Nguyễn Thị A rồi bây giờ tới tui… Việc chèo đò đưa khách sang sông thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng nó như cái nghiệp ở đời, vận vào rồi không thể chuyển cho ai được. Có hôm, đang nằm ngủ giật mình, mơ hồ nghe văng vẳng tiếng kêu, mình xách dầm chạy ra bến sông thì có người bị đau cần giúp. Hoặc có khi đi đâu xa thấy sốt ruột vội trở về là thấy nước lớn, mình phải lo chống đò đưa khách sang sông”.

Bà Nguyễn Thị A kể lại những tháng năm buồn vui của đời chèo đò. Bà nói: “Quãng sông này, có một dòng xoáy, mưa lũ dòng xoáy càng ghê rợn hơn nhiều. Đã có 3 lần tui bị lật thuyền nơi dòng xoáy đó, nhưng rồi cố gắng bơi vớt đám học sinh lên”. Bà nói: “Ước chi có chiếc cầu bắc qua sông cho dân được thuận tiện trong việc đi lại. Nếu nhà nước chưa thể xây cầu thì cũng xin cấp cho thằng Tô mấy cái áo phao để an toàn hơn trong những chuyến đò đưa khách sang sông”.

VÕ QUÝ CẦU

 

Tin cùng chuyên mục