Lòng tham và pháp luật

Chưa dứt dư âm lùm xùm về ly thủy tinh nhiễm độc chì, bánh bao nhiễm độc, sữa nhiễm melamine và nitrit, hóa chất biến thịt heo thành thịt bò, nay người tiêu dùng đang lo sợ trước thông tin miến được làm giả từ bột bắp và mực in. Những sản phẩm trên đều được các phương tiện truyền thông cho biết bắt nguồn từ công nghệ “hãi hùng” tại Trung Quốc. Và người ta không biết liệu rồi sẽ còn những thứ gì nữa được sản xuất, chế biến độc hại đưa vào cơ thể con người.

Chưa dứt dư âm lùm xùm về ly thủy tinh nhiễm độc chì, bánh bao nhiễm độc, sữa nhiễm melamine và nitrit, hóa chất biến thịt heo thành thịt bò, nay người tiêu dùng đang lo sợ trước thông tin miến được làm giả từ bột bắp và mực in. Những sản phẩm trên đều được các phương tiện truyền thông cho biết bắt nguồn từ công nghệ “hãi hùng” tại Trung Quốc. Và người ta không biết liệu rồi sẽ còn những thứ gì nữa được sản xuất, chế biến độc hại đưa vào cơ thể con người.

Ngẫm người mà nghĩ lại mình, với hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình ở nước ta, tình trạng lạm dụng hóa chất, phụ gia độc hại cũng không phải ít. Những hàn the, formol trong bánh phở; phẩm màu dùng cho công nghiệp trong mứt, hạt dưa; dầu cặn tái chế cho hành phi…

Ngay tại TPHCM và Hà Nội, các cơ quan chức năng đã bắt quả tang không ít vụ thịt ôi thiu ngâm hóa chất để tươi rói, đẹp mắt trở lại. Nhưng những sự việc trên cứ vài ba tháng lại rộ lên một lần và không một cơ quan quản lý nào dám hứa hẹn những sự việc đó sẽ giảm dần.

Có thể kiếm lời thêm vài ba ngàn đồng nhưng không ít đối tượng đã gieo mầm bệnh tật cho bao người. Quả lòng tham đã làm mất cả nhân tính. Song, cũng cần nhìn nhận rằng, tham lam cũng từ chính người kinh doanh và tiêu dùng.

Vì lợi nhuận mà người kinh doanh thường tham mua rẻ, bán đắt. Người tiêu dùng thì nhiều người thích mua hàng giá rẻ. Mà cha ông đã nói: “Của rẻ là của ôi”. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ chính “công nghệ” hóa chất làm thực phẩm tươi ngon, đẹp mắt cũng khiến không ít người tiêu dùng nhầm lẫn.
 
Vậy, lý lẽ nào để biện bạch cho tình trạng trên? Buôn bán hóa chất, phụ gia độc hại tràn lan, dễ còn hơn mua rau, cơ quan quản lý lỏng lẻo, pháp luật thiếu răn đe. Ngay như chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TPHCM) có “lịch sử” phân phối từ hàng chục năm qua mà vẫn chưa kiểm soát nổi. Nay muốn nồi nước bún riêu đẹp màu cua gạch, nồi phở thơm mùi thịt bò… cứ cho một muỗng hóa chất phụ gia là ngon hết và ra chợ Kim Biên thì… bao nhiêu cũng có.

Thật khó cho nhiều bà nội trợ vì đâu cũng có hóa chất, thực phẩm không an toàn hiển hiện trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi đó, những cơ quan chức năng “canh cửa” cho sức khỏe người dân thì cứ kiểm soát theo kiểu… được chăng hay chớ!
 
Bộ Y tế trực tiếp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Còn ở các địa phương có sở y tế và các ban ngành liên quan khác như chi cục thú y, chi cục quản lý thị trường cũng có chức năng và trách nhiệm đối với ATVSTP. Nghĩa là, từ trung ương đến địa phương, ngành y tế đã bố trí một lực lượng không ít để lo cho sức khỏe nhân dân.

Song tiếc thay, “mạng lưới” các cơ quan chức năng ấy vẫn còn lỗ hổng nên những thực phẩm mất ATVSTP vẫn… cứ lọt. Phải chăng “mạng lưới” này đang có sự thiếu liên kết, hay như câu thành ngữ “Cha chung không ai khóc”!

Đối với thực phẩm có xuất xứ trong nước, ngay từ khi nuôi trồng là thuộc về phạm vi điều chỉnh của Bộ NN-PTNT và các cấp trực thuộc; khi được bán ra thị trường lại được quản lý bởi quản lý thị trường, ngành y tế… Riêng đối với thực phẩm nhập khẩu lại thêm quy chế quản lý từ hải quan.
 
Xâu chuỗi lại để thấy rằng, đối với ATVSTP, các tầng cấp quản lý đều có cả, được phân công, phân nhiệm cả. Vậy kẽ hở ở đâu? Truy được trách nhiệm cụ thể thì khó lắm. Có chăng người tiêu dùng tự cứu lấy mình trước, tự trang bị kiến thức ATVSTP cho mình và gia đình, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận, kiểm dịch. Còn lòng tham, luật pháp lỏng lẻo thì chưa thể chuyển biến ngày một, ngày hai

NGỌC HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục