Xét xử vụ Vinashin: Đề nghị phạt tù Phạm Thanh Bình từ 19-20 năm

(SGGPO). - Sau hai ngày thẩm vấn làm rõ những sai phạm của 9 bị cáo, sáng nay 29-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin ) bắt đầu phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát  và tranh luận của các luật sư.

(SGGPO). - Sau hai ngày thẩm vấn làm rõ những sai phạm của 9 bị cáo, sáng nay 29-3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin ) bắt đầu phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát  và tranh luận của các luật sư.

Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm soát giữ quyền công tố tại tòa nêu rõ quan điểm: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vinashin và các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước và cố ý làm trái những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng nêu rõ, trong quá trình xét xử, hầu hết bị cáo đã thành khẩn thừa nhận hành vi sai phạm. Tuy nhiên hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Các bị cáo trong vụ án đều là những người có chức vụ, quyền hạn, được giao trọng trách quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tài sản của Tập đoàn Vinashin và các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn này.

Trong đó Phạm Thanh Bình là người có cương vị cao nhất đồng thời lại là bị bị cáo chính,  hành vi phạm tội xuyên suốt trong nhiều dự án. Các bị cáo khác trong vụ án là những đồng phạm với Phạm Thanh Bình, cũng có người thực hiện hành vi phạm tội trong các vụ việc độc lập, đồng phạm theo nhóm, nhưng đều cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế thuộc Tập đoàn Vinashin.

Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh,  ngoài hậu quả gây thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, xã hội, môi trường đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tác động tiêu cực đến đời sống của hàng ngàn người lao động. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải xét xử thật nghiêm minh, đảm bảo sự công bằng của pháp luật. Các bị cáo đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Đại diện Viện Kiểm sát chỉ rõ, bị cáo Phạm Thanh Bình có vai trò chính trong vụ án nên mức án phải cao hơn các bị cáo khác. Cho dù xét thấy, Bình chưa có tiền án, tiền sự, có huân, huy chương, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ song hành vi đặc biệt nghiêm trọng nên cần áp dụng cao nhất của khung hình phạt đối với tội danh.

Do đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị khung hình phạt đối với bị cáo Phạm Thanh Bình từ 19-20 năm. Bị cáo Trần Văn Liêm từ 17-18 năm tù, bị cáo Tô Nghiêm từ 17-18 năm tù, Nguyễn Văn Tuyên từ 15-16 năm tù; Trịnh Thị Hậu từ 13-14 năm tù ( bị cáo này phải chịu hình thức tăng nặng vì trong quá trình xét xử đã không thành khẩn, quanh co chối tội), bị cáo Hoàng Gia Hiệp từ 12-13 năm tù, Trần Quang Vũ từ 11-12 năm tù, Đỗ Đình Côn từ 11-12 năm tù, Nguyễn Tuấn Dương từ  3-4 năm tù. 

Về bồi thường dân sự, các bị cáo buộc phải bồi hoàn các khoản tiền liên quan đến sai phạm của mình trong từng vụ việc gồm: Bình, Liêm, Hiệp, Hậu liên đới bồi thường cho Công ty Viễn Dương số tiền trên 650 tỷ đồng, cùng với lãi suất vay. Với dự án Nhiệt điện sông Hồng, các bị cáo Bình, Tuyên, Côn có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Hoàng Anh hơn 23 tỷ đồng và lãi suất vay; Bị cáo Vũ phải bồi thường cho Công ty Nam Triệu trên 18 tỷ đồng và lãi suất vay; Bị cáo Dương bồi thường cho Công ty Cửu Long số tiền trên 20 tỷ đồng và lãi suất vay.

Kết thúc phần luận tội, phiên tòa chuyển sang phần tranh tụng, với 21 luật bào chữa cho các bị cáo.

 * Chín bị cáo trong vụ án Vinashin bị đề nghị hình phạt tù gồm: Phạm Thanh Bình – nguyên Chủ tịch Hội đồng  Quản trị Vinashin; Trần Quang Vũ- nguyên Tổng Giám đốc Vinashin; ông Trần Văn Liêm- nguyên Trưởng ban kiểm soát tập đoàn; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh; Nguyễn Tuấn Dương – nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long; Tô Nghiêm – nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển kinh tế Hải Hà; Trịnh Thị Hậu – nguyên Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH MTV công nghiệp tàu thủy; Hoàng Gia Hiệp – nguyên Phó  Tổng Giám đốc công ty Tài chính TNHH MTV công nghiệp tàu thủy; Đỗ Đình Côn – nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.

* Vụ án Vinashin là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo xảy ra trên phạm vi rộng, ở nhiều lĩnh vực gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen gây thiệt hại 469.564.547.716 đồng. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng gây thiệt hại 316.523.439.425 đồng. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân gây thiệt hại 66.575.536.228 đồng; Dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30.484.469.917 đồng và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại 27.323.137.568 đồng. Tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án đã gây ra là 910.471.130.854 đồng.

NGUYỄN QUỐC

- Thông tin liên quan:

>> Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ Vinashin - Những dự án... đốt tiền

>> Xét xử vụ án tại Vinashin - Thử nghiệm và gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục