Công an thành phố Hà Nội thông tin kết quả xử lý vụ việc tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội)

Công an thành phố Hà Nội thông tin kết quả xử lý vụ việc tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội)

(SGGPO).- Chiều 19-8, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, đại diện Công an Thành phố Hà Nội và UBND quận Long Biên đã chính thức thông tin về kết quả xử lý liên quan đến vụ buôn bán trẻ em và hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.

Ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận Long Biên trả lời báo chí chiều 19-8

Theo báo cáo của UBND quận Long Biên do ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND quận trình bày tại hội nghị, quận Long Biên đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề. Cụ thể, trong các ngày từ ngày 6 đến ngày 7-8, đoàn đã kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội. Kết quả đã làm rõ, tổng số người có mặt tại chùa Bồ Đề vào thời điểm kiểm tra là 194 người. Trong đó có 135 trẻ em, người tàn tật, người cao tuổi thuộc nhóm bảo trợ xã hội; 59 đối tượng là người giúp việc và trẻ em là con, cháu người giúp việc.

Qua đối chiếu tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do trụ trì chùa cung cấp và qua hồ sơ quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, có 24 người (gồm 21 trẻ em và 3 người già) có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt tại thời điểm kiểm tra. Công an quận Long Biên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an phường Bồ Đề trực tiếp cử người đi xác minh các địa chỉ do trụ trì cung cấp.

Đến ngày 8-8 đã làm rõ địa chỉ hiện đang sinh sống của 3 người già và 3 trẻ em đã được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội của TP; 13 trẻ em hiện đang được gia đình nuôi dưỡng; 1 trẻ em được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đề) và 2 trẻ em hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa khác.

Tại thời điểm kiểm tra, có 18 trẻ được đi học và đi học thường xuyên. 7 trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non và có tới 80 trẻ chưa được đăng ký khai sinh.

Kết luận kiểm tra cho rằng, do số lượng đến nương nhờ tại chùa ngày càng nhiều nên cơ sở vật chất không bảo đảm, người chăm nuôi các đối tượng không có kỹ năng nghiệp vụ, chùa không có kinh nghiệm quản lý, chưa nắm bắt rõ các quy định của pháp luật, bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước chưa hướng dẫn sâu sát, chưa kiên quyết đối với một số nội dung chưa bảo đảm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa nên đã tạo ra sơ hở trong việc quản lý, bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi cá nhân. Cụ thể là đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang, người nương nhờ trong chùa Bồ Đề, hiện đã bị khởi tố về tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự.

Sau khi kiểm tra, UBND quận đã làm việc trực tiếp với trụ trì chùa, thông báo kết quả, phân tích các nội dung chùa chưa thực hiện theo quy định, đồng thời hướng dẫn cách thức và biện pháp để khắc phục các tồn tại. Tại buổi làm việc, trụ trì chùa đã thống nhất với kết quả kiểm tra, cam kết phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ; đồng thời gửi danh sách 32 người đề nghị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.

Những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề sẽ được chuyển tới Trung tâm bảo trợ xã hội. Ảnh: Lã Anh

Đến 17 giờ ngày 18-8, UBND quận nhận được văn bản của chùa đề nghị đưa toàn bộ số người đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm bảo trợ xã hội TP.

Hiện tại UBND phường Bồ Đề và các phòng chuyên môn thuộc Quận đang thiết lập, hoàn thiện hồ sơ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội theo lộ trình.

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cũng cho biết, Công an Hà Nội vẫn đang tích cực tổ chức điều tra để xử lý đúng người, đúng tội. “Áp dụng vào các quy định Bộ luật Hình sự, hiện chưa có căn cứ chứng minh ni sư Thích Đàm Lan vi phạm pháp luật" – ông Nguyễn Duy Ngọc nói.

Vẫn theo ông Ngọc, nhiều trường hợp trẻ được nhận làm con nuôi, được các gia đình thay tên, đổi họ, hiện đã khôn lớn và trưởng thành. Tuy nhiên, những trường hợp này, gia đình và bản thân các cháu không muốn nêu danh tính để ổn định cuộc sống.

Về cháu bé Cù Nguyên Công, Bệnh viện Nhi đã có xác nhận cháu bé thực sự đã mất. Được hỏi về trách hiệm của chính quyền địa phương khi để chùa Bồ Đề - vốn không đủ điều kiện để thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội – đã làm việc này từ hàng chục năm trước đến nay, ông Đỗ Mạnh Hải, Chủ tịch quận Long Biên nói, từ năm 2008 (khi Nghị định 68 của chính phủ về Trung tâm bảo trợ xã hội được ban hành), hàng năm chính quyền phường và quận đều có hướng dẫn đăng ký, đưa các đối tượng vào trung tâm bảo trợ xã hội của TP và làm giấy khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.

Với 24 trường hợp không có tại chùa, cơ quan CA đã xác minh và làm rõ. Ông Hải giải trình thêm: "Chùa Bồ Đề là địa chỉ từ thiện, các trường hợp đến chùa là bị động. Trách nhiệm của nhà chùa là mở lòng từ bi và đón nhận về nuôi chứ không phải là cơ sở tiếp nhận. Việc nhà chùa tiếp nhận, khi số lượng người ngày một đông, cũng là hết sức bị động. Quận sẽ tiếp thu, rà soát trách nhiệm của các phòng, ban, ngành khi hướng dẫn nhà chùa chưa triệt để".

ANH PHƯƠNG

>> Đã làm rõ vụ 11 trẻ “mất tích” ở chùa Bồ Đề

>> Mở rộng điều tra mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề

>> Khởi tố vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề

>> Bắt giữ 2 phụ nữ nghi bán trẻ

Tin cùng chuyên mục