Giữ khung hình phạt cao để đảm bảo tính răn đe

Giữ khung hình phạt cao để đảm bảo tính răn đe

Thảo luận về sửa đổi Bộ luật Hình sự

Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ ngày 26-5. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau đã được các đại biểu (ĐB) thẳng thắn tranh luận.

Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự?

Tại đoàn ĐBQH TPHCM, bàn về nguồn pháp luật hình sự, ĐB Lê Đông Phong nhận định: “Gom hết các quy định xử lý hình sự vào một bộ luật này thì hợp lý hơn và đó cũng là cách làm quen thuộc, dễ áp dụng cho cả nhân dân lẫn các cơ quan áp dụng pháp luật”. Phát biểu sau đó, ĐB Trần Du Lịch lại cho rằng, đây là lối tư duy cũ, không đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và sẽ dẫn đến tình trạng “rất nhiều luật khác đọc vô chỉ thấy chế định; không thấy chế tài! Chúng ta phải tranh luận cho ra nhẽ vấn đề này, nếu muốn có những chuyển biến căn cơ trong hệ thống pháp luật về hình sự”. Với những tội đại hình (phạt giam giữ trên 7 năm) thì chỉ quy định trong Bộ luật Hình sự; nhưng dưới khung này thì có thể quy định cả trong các luật khác. Dung hòa cả hai quan điểm trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi nhất trí mở rộng nguồn, nhưng vấn đề là cách làm. Luật chuyên ngành có thể bổ sung một vài điều về hình sự; nhưng nên tích hợp, pháp điển hóa trong Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính thống nhất, chứ không khéo thì mỗi luật một kiểu”.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: LÃ ANH

Việc có coi pháp nhân là đối tượng điều chỉnh của pháp luật hình sự hay không cũng là một vấn đề “nóng” khác. Theo ĐB Trần Du Lịch, pháp nhân vận hành được đều thông qua con người. Mỗi pháp nhân đều có đại diện pháp luật của mình. Khi có vi phạm pháp luật hình sự thì người đại diện đó phải chịu trách nhiệm. “Như Vedan, sao lại nói không xử lý được? Ai chỉ đạo làm cái hệ thống nước thải “chui” thì xử lý người đó”. Tôi ủng hộ bộ luật có quy định về trách nhiệm của pháp nhân, nhưng người đại diện pháp lý của pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng”.

Cũng về vấn đề này, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu: “Pháp luật nhiều nước đã quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong pháp luật Việt Nam, pháp nhân đã phải chịu trách nhiệm hành chính, sao lại từ khước trách nhiệm hình sự? Lợi thì pháp nhân hưởng, nhưng khi xảy ra việc mà cá nhân người quản lý phải chịu là không công bằng”.ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tán thành quan điểm xử lý hình sự đối với pháp nhân.

Chính sách hình sự quá nhu mì...

Liên quan đến một số tội danh và khung hình phạt cụ thể, nhiều ý kiến tại đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay vẫn cần chú trọng tính nghiêm khắc và răn đe của pháp luật. “Muốn có cây ngay phải uốn”, ĐB Trần Du Lịch ví von. ĐB Đỗ Văn Đương cũng nhìn nhận: “Một chính sách hình sự quá nhu mì không đạt được yêu cầu quản lý xã hội nghiêm túc, quy củ”.

Với quan điểm này, các ĐB đề xuất giữ lại khung hình phạt cao nhất (tử hình) đối với một số tội danh như tội đầu hàng địch, phá hoại công trình quan trọng quốc gia… Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đề nghị vẫn giữ khung hình cao nhất, nhưng có căn cứ vào số lượng ma túy vận chuyển và tính chất vụ việc. Loại ý kiến này nhấn mạnh, giữ lại khung phạt là một việc, còn có áp dụng mức án cao nhất đó hay không lại là việc hoàn toàn khác.

Xung quanh đề xuất bỏ án tử hình đội với tội tham nhũng, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, thực tế đã có chuyện án tử hình giảm xuống 20 năm, rồi từ 20 năm xuống 18 năm. “Tội phạm tham nhũng vẫn nên để hình phạt tử hình để có tính răn đe. Trong khi người nghèo không có điều kiện, buộc phải đi vận chuyển ma túy để kiếm sống vẫn phải chịu án tử hình; người có chức vụ, kiến thức tham ô, tham nhũng số tiền lớn mà lại không áp dụng án tử hình là không công bằng. Tôi kiến nghị vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng” - ông Nguyễn Đức Chung phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Thay thế tử hình bằng chung thân vĩnh viễn để lường oan sai

“Sửa Bộ luật Hình sự, tôi muốn có một bộ luật xứng tầm, bảo vệ được những giá trị cần bảo vệ, đấu tranh với những hoạt động cản trở sự phát triển của xã hội. Vừa qua thống kê cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy đủ nên cũng chưa vững tâm lắm để xây dựng quy định xử phạt hình sự với hành vi đã từng phạt hành chính mà vẫn tái phạm. Tuy đã có cố gắng nhưng xem ra việc định hướng tội phạm là gì vẫn phải xem xét để có quy định phù hợp hơn nữa. Ví dụ tội trộm chó, xã hội xử nhau mà pháp luật không xử lý được vì định mức tối thiểu tài sản phải là 2 triệu đồng, rất bức xúc. Hay việc rải đinh ra đường để người đi bị hỏng xe và đối tượng kiếm lợi từ việc ép sửa xe hiện nay cũng chưa quy định, xử lý được.

Về vấn đề án tử hình, tại sao giảm tử hình chuyển sang chung thân vĩnh viễn? Không có nền tư pháp nào chính xác 100% , nên nếu tử hình 1 người mà sau này phát hiện bị oan thì là câu chuyện không làm lại được, trong khi quyền sống là quyền lớn nhất của con người. Vậy nên thay thế tử hình bằng chung thân không giảm án để lường ít nhất chuyện nếu người ta bị oan sai”.

ANH THƯ - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục